Huyệt Ấn Đường: Vị trí, cách bấm huyệt để điều trị bệnh hiệu quả
Ấn đường được xem là con mắt thứ 3 trên cơ thể. Đây là huyệt vị có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều trị chứng đau đầu, mất ngủ… Vậy huyệt ấn đường nằm ở vị trí nào, cách tác động vào huyệt để trị bệnh ra sao?
Huyệt ấn đường là gì? Nằm ở đâu?
Theo Đông y, huyệt ấn đường nằm ở giữa đường nối của 2 đầu lông mày. Đây là huyệt có nhiều vai trò quan trọng với cơ thể.
- Giải thích tên gọi: Để hiểu rõ tên gọi của huyệt, trước hết bạn cần biết rõ ấn là gì và đường là gì? Ấn có nghĩa là cái khuôn hoặc dấu đóng, đường là rực rỡ. Ngày xưa, người ra thường dùng mực đỏ để đóng dấu vào giữa điểm giữa của hai đường lông mày, do vậy, huyệt ở vị trí này gọi là ấn đường
- Xuất xứ: Ấn đường là huyệt nằm trong hệ thống ngoại kinh kỳ huyệt của cơ thể nhưng không thuộc 12 đường kinh chính.
- Cách xác định vị trí huyệt: Cách xác định huyệt ấn đường tương đối đơn giản. Huyệt nằm ở giao điểm giữa đường nối hai đầu lông mày và đường thẳng từ sống mũi lên.
Nhận biết bệnh tật qua quan sát huyệt
Theo Đông y, màu sắc ấn đường có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của một người. Cụ thể:
- Vùng huyệt có màu đỏ: Ấn đường có màu đỏ và hiện lên rõ ràng có thể là dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp, mỡ máu. Khi huyệt chuyển sang màu đỏ, bạn rất dễ bị trúng gió.
- Vùng huyệt có màu trắng hoặc màu hơi ố vàng: Huyệt có màu này có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể suy nhược, tỳ vị suy yếu.
- Vùng huyệt có màu xanh hoặc đen: Thông thường, huyệt sẽ chuyển màu này khi khí huyết trong cơ thể bị ứ đọng và không lưu thông được. Ấn đường màu xanh hoặc đen cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tim đang gặp vấn đề hoặc não không được cung cấp đủ máu.
Tác dụng của huyệt ấn đường
Tác động vào ấn đường có nhiều lợi ích với sức khỏe như giảm đau đầu, mất ngủ, mỏi mắt và cải thiện tình trạng căng thẳng mệt mỏi. Không chỉ có tác dụng trong việc điều trị bệnh, huyệt ấn đường còn có tác dụng trong nhân tướng học khi nó thường được sử dụng để dự đoán tính cách.
Tác dụng của huyệt với sức khỏe
- Giảm đau đầu: Theo Đông y, tác động vào ấn đường bằng cách châm cứu, bấm huyệt có thể giúp giảm nhanh chóng cơn đau đầu. Ngoài ra, khi tác động vào huyệt, nó còn giúp giảm căng thẳng, giảm tình trạng mỏi mắt và mất ngủ.
- Cải thiện trí nhớ: Day, ấn huyệt ấn đường với lực vừa phải có thể giúp đầu óc tỉnh táo, mắt sáng và tinh thần sảng khoái hơn.
- Giảm căng thẳng, mệt mỏi: Massage, bấm huyệt ấn đường có thể xua tan mệt mỏi, căng thẳng nhanh chóng. Nguyên nhân là do khi tác động vào huyệt, khí huyết trong cơ thể có thể lưu thông dễ dàng hơn. Khi khí huyết lưu thông, cơ thể sẽ tràn đầy năng lượng.
Tác dụng của huyệt trong nhân tướng học
Theo Nhân tướng học, quan sát ấn đường có thể giúp dự đoán được sức khỏe và vận khí của con người. Nó được xem là con mắt thứ 3, là đường dẫn đến thế giới tâm linh. Đây có thể là điểm giúp não bộ và cơ thể giao tiếp với những năng lượng vô hình bên ngoài cơ thể.
Cách tác động vào huyệt hiệu quả
Để kích hoạt huyệt ấn đường, bạn có thể áp dụng 2 phương pháp sau: Massage huyệt hoặc bấm huyệt. Tùy vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý mà bạn đang gặp phải để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Cách massage huyệt
Dùng ngón tay giữa nhấn vào huyệt với lực vừa phải kết hợp với việc thở sâu và thư giãn toàn bộ cơ thể. Người bệnh nên massage ấn đường hàng ngày trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng khi mới thức dậy. Nên thực hiện liên tục trong khoảng 1 tháng để cảm nhận được hiệu quả trị bệnh của việc massage huyệt.
Ngoài cách trên, bạn cũng có thể massage huyệt bằng cách như sau. Đặt bàn tay trước mũi sau đó hơi cúi đầu xuống phía trước sao cho ngón tay chạm vào huyệt. Để nguyên tư thế trên trong 5 phút và lặp đi lặp lại hàng ngày cho đến khi thấy các triệu chứng đau đầu, căng thẳng giảm dần.
Cách bấm huyệt
- Xoa bóp, bấm huyệt ấn đường là phương pháp trị bệnh đơn giản bạn có thể thực hiện tại nhà. Để bấm huyệt, bạn có thể thực hiện các bước sau:
- Dùng ngón tay cái day hoặc ấn vào huyệt trong 1 – 3 phút, sau đó từ từ vuốt sang thái dương. Nên thực hiện hành động trên liên tục 30 lần sau đó dừng lại
- Dùng ngón trỏ hoặc ngón cái của tay thuận véo trên da ở vị trí ấn đường. Nên véo mạnh vào 2 thời điểm trong ngày là sáng và tối và véo 50 – 100 cái.
- Ngoài ra, để tăng hiệu quả điều trị bệnh, bạn có thể kết hợp bấm huyệt ấn đường với các huyệt khác như: huyệt bách hội, huyệt nội quan, huyệt thiên môn, huyệt thận du, huyệt tam âm..
Lưu ý khi bấm huyệt
Ấn đường có nhiều vai trò quan trọng với sức khỏe. Tuy nhiên, khi bấm huyệt trị bệnh, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả trị bệnh:
- Do cơ địa của từng người khác nhau, do vậy hiệu quả của việc bấm huyệt trị bệnh cũng khác nhau. Bởi vậy, bạn nên kiên trì thực hiện phương pháp, không bỏ dở chừng.
- Người bệnh có thể tự day bấm huyệt tại nhà nếu bị đau nhức đầu, mệt mỏi, tuy nhiên cần xác định đúng vị trí của huyệt đạo và thực hiện đúng kỹ thuật.
- Không bấm huyệt khi mới sử dụng rượu bia, chất kích thích.
- Sau khi bấm huyệt, người bệnh nên tránh làm việc quá sức, cần giữ cho đầu óc được thư giãn…
- Ấn đường là một trong 36 tử huyệt của cơ thể, do vậy bạn cần tác động vào huyệt đúng cách để tránh gây nguy hiểm cho cơ thể.
Huyệt ấn đường có thể giúp hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh trên cơ thể. Tuy nhiên, bạn chỉ nên bấm huyệt khi bị bệnh nhẹ hoặc dùng để giảm triệu chứng bệnh trước khi đến bệnh viện. Nếu bị đau đầu nặng hoặc stress nặng, người bệnh nên đến gặp bác sĩ, chuyên gia để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!