Huyệt công tôn: Những thông tin cần biết về vị trí, cách bấm huyệt hiệu quả
Công tôn là một trong những huyệt đạo quan trọng nằm ở lòng bàn chân. Vậy huyệt đạo này có tác dụng gì, cách bấm huyệt công tôn ra sao để trị bệnh hiệu quả? Tìm hiểu ngay.
Huyệt công tôn là gì? Nằm ở đâu
Theo y học cổ truyền, huyệt này chủ trị các bệnh lý ở ngón chân và tiêu hóa. Huyệt công tôn còn có tên gọi khác là huyệt hoàng đế. Sở dĩ huyệt được gọi tên như vậy vì trước đây vua chúa thường bị căng thẳng, hồi hộp, lo lắng… do phải xử lý việc triều chính. Để giảm những triệu chứng khó chịu này, các thái y thường bấm huyệt công tôn. Ngoài ra, cũng có một có cách lý giải khác cho tên huyệt hoàng đế là do công tôn là huyệt có mối liên hệ trực tiếp với tim. Trong khi đó, theo Đông y, tim là vua của các cơ quan nội tạng trong cơ thể, do vậy cái tên Hoàng đế được ra đời.
- Xuất xứ: Thiên kinh mạch.
- Đặc tính của huyệt: Huyệt hoàng đế là huyệt thứ 4 của kinh tỳ, đây là một trong số 15 huyệt thuộc nhóm huyệt Lạc; Huyệt cũng là giao hội của mạch Xung. Theo các thầy thuốc Đông y, châm cứu hoặc tác động vào huyệt đạo này là phương pháp điều trị các vấn đề của Vị như nôn mửa thường xuyên, đau bụng liên tục.
- Vị trí của huyệt: Huyệt hoàng đế nằm ở dưới hai gan bàn chân, ở phần lõm xuống của xương nối ngón chân cái với xương cổ chân.
Tác dụng của huyệt công tôn với sức khỏe con người
Huyệt hoàng đế (công tôn) có nhiều lợi ích với sức khỏe. Có thể kể đến như:
- Tốt cho tim mạch: Công tôn có mối liên hệ trực tiếp với tim do vậy đây là một trong những huyệt đạo chủ trị các vấn đề tim mạch. Bấm huyệt hoặc châm cứu vào huyệt công tôn có thể làm giảm những triệu chứng khó chịu ở tim mạch như đánh trống ngực, đau thắt ngực, bồi hồi, đau ngực… Những triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu của những căn bệnh tim mạch nguy hiểm như mạch vành, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp,… Ngoài ra, tác động vào huyệt công tôn cũng tốt cho tim mạch, tốt cho bệnh nhân bị thiếu máu đến tim do mạch máu tắc nghẽn, xơ cứng, hẹp động mạch…
- Giảm đau dạ dày: Đau dạ dày là căn bệnh ở đường tiêu hóa rất nhiều người đang mắc phải hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong số đó lo âu căng thẳng là nguyên nhân thường gặp. Bấm huyệt công tôn có thể giúp tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng hiệu quả, do vậy nó cũng giúp giảm đau dạ dày.
- Hỗ trợ điều trị tình trạng chán ăn: Công tôn là huyệt đạo nằm trên đường kinh tỳ do vậy chức năng của nó cũng tương đồng với chức năng các huyệt trên đường kinh tỳ. Đường kinh này có nhiều chức năng với cơ thể như chuyển hóa chất dinh dưỡng trong thức ăn thành khí huyết sau đó thông qua tim, phổi đến toàn thân và giúp thận bài tiết nước thải. Nếu tỳ hoạt động tốt cơ thể sẽ khỏe mạnh, sắc mặt hồng hào. Ngược lại, nếu tỳ bị hư tổn sẽ khiến bạn bị chán ăn, suy dinh dưỡng, cơ thể ốm yếu và luôn thấy mệt mỏi.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu hóa khác: Ngoài những công dụng trên, huyệt công tôn còn giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng khác ở đường tiêu hóa như lạnh bụng, nôn, tiêu chảy…
Cách bấm huyệt hoàng đế hiệu quả
Trong Đông y, có 2 hình thức bạn có thể sử dụng để tác động lên huyệt hoàng đế đó là bấm huyệt và châm cứu. Hai phương pháp này đều có những ưu điểm riêng và áp dụng cho những trường hợp khác nhau.
Massage, bấm huyệt
Huyệt hoàng đế nằm ở vị trí khác đặt biệt, huyệt nằm ở một trong những đầu mút của cơ thể, là nơi dòng kinh mạch chính đi qua, do vậy khi massage, bấm huyệt công tôn bạn cần phải hết sức thận trọng.
Trước khi bấm huyệt, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Tác động vào huyệt nhẹ nhàng: Huyệt hoàng đế nằm ở phần lõm của gan bàn chân, khi bấm đúng vào vị trí của huyệt bạn sẽ cảm thấy đau. Nếu bấm huyệt quá mạnh thì có khiến người bệnh bị đau đột ngột và gây ra tình trạng ngất xỉu, động kinh. Do đó, khi bấm huyệt hay châm cứu, nên bấm từ từ với lực vừa phải
- Ngâm chân với nước ấm: Để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh, trước khi bấm huyệt bạn nên ngâm chân với nước ấm và uống nhiều nước để giúp khí huyết lưu thông nhanh chóng.
Cách bấm huyệt hoàng đế đúng cách:
- Xác định chính xác vị trí của huyệt hoàng đế
- Dùng ngón tay ấn và giữ huyệt đạo với lực vừa phải, khi cảm thấy khu vực có huyệt đau tức thì dừng lại. Nên thực hiện động tác này vài lần để tăng hiệu quả điều trị.
- Để giúp điều trị nhiều căn bệnh, bạn có thể kết hợp bấm huyệt công tôn với các huyệt khác như huyệt chương môn, huyệt lương khâu, huyệt tỳ du…
Châm cứu
Đây cũng là cách tác động vào huyệt được các thầy thuốc Đông y sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật cao, do vậy để đảm bảo an toàn bạn không nên áp dụng tại nhà mà nên đến gặp bác sĩ, thầy thuốc để được châm cứu.
Lưu ý khi bấm huyệt công tôn
Xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt công tôn là phương pháp trị bệnh phổ biến trong Đông y. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phát huy hiệu quả khi bạn tác động đúng cách vào huyệt. Dưới đây là những lưu ý nên biết khi xoa bóp, bấm huyệt công tôn trị bệnh:
Trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp nào tác động đến huyệt, bạn cũng nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ, chuyên gia hoặc các kỹ thuật viên đã được đào tạo bài bản.
- Phụ nữ mang thai (đặc biệt là trong 3 tháng đầu) không nên bấm huyệt vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
- Không bấm huyệt khi người bệnh vừa ăn no hoặc khi người bệnh quá đói vì có thể ảnh hưởng đến dạ dày.
- Không nên bấm huyệt sau khi uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.
- Người bị nấm bàn chân không nên bấm huyệt vì có thể khiến bệnh lây lan cho người khác.
- Người bệnh bị giãn tĩnh mạch, chấn thương xương khớp hoặc các bệnh ngoại khoa khác cũng nên hạn chế hoặc không nên bấm huyệt công tôn.
- Tốt nhất, để đảm bảo an toàn, những người có bệnh lý nền nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bấm huyệt.
Huyệt công tôn có vai trò cực kỳ quan trọng với cơ thể, do vậy bạn cần hiểu rõ vị trí, cách bấm huyệt để có thể điều trị bệnh hiệu quả. Phương pháp bấm huyệt chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hoặc trị những bệnh nhẹ. Nếu bạn mắc những căn bệnh nguy hiểm hoặc triệu chứng của bệnh khiến bạn cảm thấy khó chịu, thì hãy đến bệnh viện để được thăm khám sớm.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!