Huyệt bách hội: Cách xác định vị trí, tác dụng trong trị liệu
Huyệt bách hội là huyệt vị quan trong trong hệ thống huyệt vị châm cứu. Trong cuốn Châm cứu thái ất kinh – y thư châm cứu cổ, bách hội được nhắc đến với tác dụng “đề thần”, mang nhiều ý nghĩa trong thực tiễn chữa bệnh. Đồng thời, huyệt vị này cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền y học cổ truyền.
Huyệt bách hội là gì?
- Tên gọi khác: Dương ngũ hội, quỷ môn, duy hội, thiên sơn, tam dương, thiên mãn, điên thượng, nê hoàn cung.
- Đường kinh vị: Huyệt thứ 20 của đường kinh mạch Đốc.
Huyệt bách hội là huyệt vị nằm ở đỉnh đầu, thuộc hệ thống 28 huyệt của mạch Đốc (kinh mạch này nằm dọc cột sống, tác động đến dương khí toàn thân). Mặt khác, bách hội cũng là nơi hội tụ của các đường kinh dương và là nơi “hội” của kinh Can, mạch Đốc.
Do vậy, cái tên “bách hội” xuất phát từ “bách” – hàng trăm, “hội” nghĩa là hội tụ, nơi gặp nhau của nhiều đường kinh dương, lục phủ, ngũ tạng,…
Theo các y thư cổ, bách hội là huyệt ở trung tâm, có tác dụng thống lĩnh và thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Tác dụng chính của huyệt vị này là khai khiếu, tức phong, định thần, thăng dương, tiềm can dương,… chủ trị các bệnh đau đầu, ngạt mũi, mất ngủ, tim đập nhanh, hoa mắt…
Trong một số tác phẩm về y học, huyệt bách hội được xem là có mối quan hệ mật thiết với các kinh lạc trên khắp cơ thể. Là huyệt thứ 20 của mạch Đốc, huyệt vị này là “cửa ngõ” khai mở mạch Nhâm và mạch Đốc. Do vậy, khi bách hội kết hợp với huyệt hội âm sẽ tạo nên tổ hợp vô cùng mạnh mẽ.
Huyệt bách hội nằm ở đâu? Cách xác định
Cách xác định huyệt bách hội thực tế rất đơn giản, bởi nó nằm ở ngay đỉnh đầu. Đây là vị trí giao giữa đường chạy dọc cơ thể và đường nối hai đỉnh vành tai. Đồng thời, bách hội cũng nằm ở điểm lõm chính giữa đỉnh đầu, nó là điểm giao giữa đường nối 2 đỉnh vành tai và đường chính cung.
Nói cách khác, huyệt dương ngũ hội nằm ở đỉnh đầu – nơi giao nhau giữa hai đường vuông góc: Đường qua đỉnh vành tai và đường đi qua giữa đầu. Khi sờ vào và ấn nhẹ sẽ thấy khe xương lõm, cảm giác hơi tức nặng.
Các bước xác định như sau:
- Bước 1: Xòe 2 bàn tay, cắm 2 ngón tay cái vào 2 lỗ tai.
- Bước 2: Hướng 2 ngón tay giữa của mỗi bàn tay về phía đỉnh đầu, những ngón còn lại ôm lấy đầu.
- Bước 3: Điểm chạm của 2 ngón tay giữa chính là huyệt bách hội.
Tác dụng của huyệt bách hội
Là huyệt vị quan trọng của mạch Đốc, bách hội giúp điều chỉnh dương khí, giải tỏa tinh thần. Theo y học cổ truyền, tác dụng chính của huyệt này là thăng dương cử khí, bình can tức phong, do vậy mà được ứng dụng nhiều trong chữa trị chứng đau đầu, hoa mắt, mất ngủ… Cụ thể như dưới đây.
Tăng cường tuần hoàn máu và trí nhớ
Thường ngày, mỗi khi chải đầu con người sẽ chạm tới huyệt bách hội cũng như nhiều huyệt vị khác ở đầu. Thay vì dùng lược, việc dùng tay chải đầu luôn được nhiều chuyên gia khuyến khích khi nó vừa giúp dưỡng sinh lại có tác dụng tăng cường sức khỏe cực kỳ tốt.
Theo các nhà dưỡng sinh Trung Quốc, việc chải đầu không chỉ giúp bảo vệ tóc mà còn là thao tác massage não, đả thông kinh mạch khi tác động vào huyệt bách hội.
Nhờ vậy, tuần hoàn máu não, trí nhớ, hoạt động của hệ thần kinh trung ương được cải thiện rất nhiều. Đây cũng là lý do mà các bệnh nhân bị mất trí nhớ, Parkinson, trúng gió luôn được khuyến khích xoa bóp, bấm huyệt bách hội.
Chữa huyết áp thấp, rối loạn tiền đình
Như đã nói ở trên, tác dụng chính của huyệt dương ngũ hội là can tức phong, thăng dương cử khí. Do vậy, huyệt này đem lại nhiều hiệu quả đối với chứng đau đầu, hoa mắt, ù tai,… đây đều là những biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân huyết áp thấp và rối loạn tiền đình.
Để cân bằng huyết áp, các triệu chứng của rối loạn tiền đình thì người bệnh có thể day huyệt bách hội theo hướng dẫn của thầy thuốc. Trường hợp chưa đạt được hiệu quả trị liệu mong muốn thì cần kiên trì day ấn hơn, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của người có kiến thức chuyên môn.
Cải thiện tinh thần, giúp đầu óc tỉnh táo
Nhiều nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng, việc day bấm huyệt bách hội thường xuyên sẽ giúp tinh thần được hưng phấn, đầu óc tỉnh táo hơn. Bởi điều này tác động vào quá trình lưu thông khí huyết, giúp thành mạch tăng tính đàn hồi, tăng đáng kể lưu lượng máu trong mạch…
Ngoài ra, khi tiến hành châm cứu vào huyệt vị này, các thầy thuốc còn nhận thấy bệnh nhân được trấn tĩnh, cải thiện trí nhớ cũng như kiểm soát tốt hành vi rối loạn. Đây cũng là lý do mà từ xa xưa, các Thái y đã dùng huyệt bách hội để giúp vua, các phi tần thư giãn tinh thần, giảm bớt căng thẳng.
Chữa mất ngủ
Theo các nghiên cứu của y học cổ truyền, bách hội là huyệt có công năng trong phòng, chống các bệnh về thần kinh. Nhiều nghiên cứu hiện đại cũng khẳng định huyệt vị này có tác động mạnh mẽ đến lưu huyết não thông qua thao tác châm cứu, bấm huyệt, thủy châm…
Nhờ những tác động đó, việc day và bấm huyệt vị này giúp cải thiện tinh thần, loại bỏ phiền muộn, mang đến giấc ngủ sâu và ngon hơn. Người bệnh có thể kết hợp tác động vào huyệt dũng tuyền để loại bỏ hoàn toàn chứng mất ngủ.
Ngoài ra, một số chuyên gia y học cổ truyền còn chỉ ra mối liên hệ giữa huyệt dương ngũ hội với chức năng thần kinh, não bộ, tình trạng suy nhược cơ thể, chứng đau lưng, đái dầm…
Phương pháp bấm huyệt bách hội chữa bệnh
Được nhắc đến là huyệt vị quan trọng, tác động đến dương khí của toàn bộ cơ thể, bách hội được y học cổ truyền coi là “đề thần”. Để việc tác động vào huyệt này mang lại hiệu quả mong muốn, người bệnh cần thực hiện theo đúng thao tác được các thầy thuốc Đông y khuyến cáo.
Các bước chuẩn bị và thao tác thực hiện cụ thể như dưới đây.
Chuẩn bị
Trước khi tiến hành day bấm huyệt, người bệnh cần vào tư thế thích hợp. Tư thế chuẩn bị tốt nhất là nằm trên giường hoặc ghế có tựa. Đồng thời, thư giãn tinh thần, luôn tập trung vào hành động day bấm huyệt. Sau đó xác định đúng vị trí của huyệt theo hướng dẫn phía trên.
Lưu ý: Việc vào đúng tư thế rất quan trọng, nó quyết định tới hiệu quả trị liệu. Do vậy, mỗi người cần thực hiện theo đúng hướng dẫn để có được quá trình điều trị bệnh tốt nhất.
Các bước thực hiện
Tương tự như nhiều huyệt vị khác trong cơ thể, việc tác động vào bách hội cũng cần phải đúng thao tác, tránh sai sót mà gây hại cho sức khỏe. Phương pháp bấm huyệt bách hội được thực hiện qua các bước sau:
- Bước 1: Dùng bàn tay thuận nắm hờ, ngón tay giữa hơi khum lại rồi đặt vào vị trí vuông góc với huyệt. Lấy phần gốc bàn tay (gần cổ tay) áp vào phía trên tai để làm điểm tựa.
- Bước 2: Dùng ngón tay giữa ấn và day huyệt theo hình tròn (đúng chiều kim đồng hồ) trong khoảng 2 phút.
- Bước 3: Nghỉ ngơi, thư giãn sau bấm huyệt.
Một vài lưu ý khi day bấm huyệt
Nằm trên mạch Đốc – kinh mạch cực kỳ quan trọng của cơ thể, huyệt bách hội là nơi giao giữa nhiều đường kinh dương, đường kinh của lục phủ, ngũ tạng,… Do vậy, để đảm bảo sức khỏe và nâng cao hiệu quả trị liệu, khi bấm huyệt này cần lưu ý những điều sau:
- Luôn thực hiện thao tác nhịp nhàng, đảm bảo tác động vào huyệt bằng một lực mạnh. Trường hợp không muốn day ấn bằng tay thì có thể sử dụng vật tương tự như chiếc đũa nhỏ, đầu que, hoặc 5-6 chiếc tăm buộc chặt lại với nhau.
- Nên kiên trì day huyệt trong vòng 15-30 ngày, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 30 phút. Có thể điều chỉnh liệu trình xoa bóp tùy theo diễn biến của bệnh cũng như chỉ dẫn của thầy thuốc.
- Nếu đột ngột bị chóng mặt, ra mồ hôi, mặt nhợt nhạt, hoa mắt, mạch đập nhanh,… thì lập tức phải dừng bấm huyệt. Sau đó lau mồ hôi, cho bệnh nhân uống nước đường nóng, ủ ấm và nghỉ ngơi tại chỗ.
- Những bệnh nhân có khối u, người bị bệnh về da ở vùng đầu, đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính, người đang sốt cao tuyệt đối không được bấm huyệt.
- Chỉ nên bấm huyệt theo liệu trình được hướng dẫn, tuyệt đối không lạm dụng, tăng thời gian bấm khi chưa được hướng dẫn. Bởi điều này dễ gây tổn hại dương khí, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác.
Huyệt bách hội là huyệt Thiên môn, có tác dụng cân bằng khí huyết, âm dương trong cơ thể. Hy vọng nội dung bài viết hữu ích cho quá trình tìm kiếm thông tin, giúp quý độc giả có thêm được kiến thức về ứng dụng của huyệt vị trong nền y học cổ truyền.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!