Thuốc đông y là gì? Công dụng, cách dùng và những bài thuốc hiệu quả
Song song với sự phát triển của Tây y thì thuốc Đông y cũng dành được rất nhiều sự quan tâm của người bệnh bởi tính an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên không phải ai cũng biết nguyên tắc sử dụng và những kiêng kỵ khi dùng loại thuốc này. Vì vậy nếu cũng đang quan tâm đến loại thuốc thì hãy dành một phút để đọc bài viết dưới đây.
Thuốc Đông y là gì?
Thuốc Đông Y là thuật ngữ dùng để chỉ các bài thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc và Việt Nam (các nước phương đông) phân biệt với thuốc Tây y (có nguồn gốc từ các nước phương Tây).
Nguyên liệu chủ yếu trong các bài thuốc Đông y là thảo mộc tự nhiên như hoa, quả, rễ, thân , lá, vỏ cây. Hoặc các vị thuốc từ nguồn cung cấp động vật như: các loại côn trùng, vây cá, các loài thú. Ngoài ra một số bài thuốc còn sử dụng các khoáng vật bao gồm thạch cao, hùng hoàng, lưu huỳnh để tăng độ nhạy.
Thuốc Đông Y gồm 2 loại chính là thuốc Bắc và thuốc Nam. Trong đó:
- Thuốc Bắc: Là những bài thuốc, cây thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc
- Thuốc Nam: Là những bài thuốc, cây thuốc có nguồn gốc từ Việt Nam.
Phân loại thuốc đông y
Dựa trên phương pháp điều trị người ta phân thuốc Đông y thành 8 loại: Thuốc giải biểu, thuốc gây nôn, thuốc tả hạ, thuốc hòa giải, thuốc thanh nhiệt, thuốc khu hàn, thuốc tiêu đạo, thuốc bổ dưỡng
Ngoài ra thuốc Đông y còn được phân thành các loại sau:
- Thuốc Đông y thế hệ 1: Là những bài thuốc đông y được sản xuất từ các thảo dược thông thường dùng để điều trị các bệnh nhẹ. Các bài thuốc này chưa có kiểm chứng lâm sàng thường đăng ký là thuốc không kê đơn.
- Thuốc Đông y thế hệ 2: Thuật ngữ này lần đầu tiên được ra tại hội nghị quốc tế về thuốc thảo dược tại Seoul- Hàn Quốc vào năm 2013. Đây là loại thuốc Đông y được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tự nhiên đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, tiêu tiến. Dùng để điều trị các bệnh nặng, cạnh tranh hiệu quả với thuốc hóa dược nhất nhưng không gây tác dụng phụ, hay nhờn thuốc. Các bài thuốc Đông y thế hệ 2 sẽ được nghiên cứu lâm sàng rộng rãi trước khi sử dụng phổ biến.
- Thuốc Đông y gia truyền: Là những bài thuốc trị bệnh nổi tiếng trong 1 vùng, 1 địa phương, được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho các thành viên thân thiết trong gia đình, dòng họ. Chúng thường có tuổi đời từ 3-4 thế hệ, tên đặt chủ yếu gắn với tên của thầy thuốc. Ví dụ như: thuốc đông y bà vân, thuốc đông y bà giằng,…
Phương thức chữa bệnh trong thuốc Đông y
Các thầy thuốc Đông y chữa bệnh dựa trên thuyết Âm dương, Ngũ hành. Có nghĩa là cơ thể con người sẽ không thể phát triển bình thường nếu mất sự cân bằng âm dương.
Khác với y học hiện đại chẩn đoán và điều trị bệnh bằng sự can thiệp của các máy móc, thiết bị hiện đại. Thì chữa bệnh theo Đông Y người bệnh sẽ được chẩn đoán theo phương thức văn chẩn (chẩn đoán qua nghe), vấn chẩn (chẩn đoán qua hỏi), vọng chẩn(chẩn đoán qua nhìn), thiết chẩn(chẩn đoán qua sờ).
Ngoài ra trong Đông y người ta sẽ dùng thuốc theo nguyên tắc” Biện chứng luận trị”. Có nghĩa là cùng một bệnh nhưng ở mỗi người khác nhau sẽ có những bài thuốc khác nhau.
Các dạng thuốc Đông y thường dùng
Hiện nay thuốc Đông y gồm có 5 loại: Thang, hoàn, tán, cao, đan. Trong đó thuốc thang là loại thuốc có tính ứng dụng thực tế nhiều nhất. 4 loại gồm: hoàn, tán, cao, đan là những vị thuốc được chế sẵn thường được gọi là cao đan hoàn tán hay hoàn tán.
Thuốc thang
- Cách chế biến: Chỉ cần đem các vị thuốc đun sắc với nước trong khoảng thời gian nhất định rồi chắt nước, bỏ bã, uống khi còn nóng.
- Ưu điểm: Sau khi đun sôi chất thuốc sẽ thôi ra trong nước, giúp cơ thể hấp thụ các hoạt chất tốt nhất. Mặc khác loại thuốc này còn rất dễ điều phối liều lượng phù hợp với nhiều tình trạng bệnh.
- Nhược điểm: Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của loại thuốc này là mất thời gian đun sắc không tiện với những người bận rộn và không dùng được cho trẻ nhỏ
Thuốc tán
- Cách chế biến: Các thầy thuốc sẽ đem tán các vị thuốc thành bột mịn sau đó dùng nước mật hoặc hồ để viên thành hoàn. Ngoài ra loại thuốc này còn có thể dùng với nước nóng hoặc đun sắc như bình thường.
- Ưu điểm: Có công dụng khá tốt, không làm mất dược tính. Thích hợp để xoa đắp lên các chỗ bị đau dùng chữa các bệnh ngoại khoa, thương khoa, hầu khoa, nhãn khoa rất tốt
- Nhược điểm: Không tiện khi sử dụng, khó bảo quản hơn thuốc hoàn.
Thuốc dạng cao
- Cách chế biến: Người ta sẽ sắc thuốc lấy nước sau đó đem cô đặc thành cao. Loại thuốc này thường được chia làm 2 loại: dùng ngoài và uống trong.
- Thuốc cao uống trong: sẽ giúp tận dụng được hết các dược tính của thuốc, sau khi cô đặc chúng sẽ có mùi thơm rất dễ uống, thích hợp điều trị các bệnh mãn tính. Tuy nhiên loại thuốc này lại không thể dùng lâu được, khó bảo quản.
- Thuốc cao dùng ngoài: Lại được chia tiếp thành 2 loại là thuốc cao và dầu cao.
Thuốc hoàn (thuốc viên)
- Cách chế biến: Các thầy thuốc sẽ đem tán mịn các vị thuốc sau đó trộn với nước mật hoặc hồ để viên thành hoàn
- Ưu điểm: Giúp tiện lợi trong quá trình sử dụng
- Nhược điểm: Người bệnh khó hấp thụ các dược chất của thuốc vì trong thuốc hoàn có cả bã thuốc. Mặt khác loại thuốc này rất khó bảo quản, một số bệnh phải dùng với liều lượng nhiều, trẻ nhỏ khó sử dụng.
Thuốc đan
Thuốc đan có tán, hoàn, khoai có thể uống hoặc bôi ngoài đều được. Một số loại thuốc đan như: chí bảo đơn, hồi xuân đơn, tử tuyết đơn, thần tê đan, cam lộ tiêu độc đan,..
Cách tổ chức bài thuốc Đông y
Bài thuốc Đông y (thuốc Nam, thuốc Bắc) đều có thể có 1 vị hoặc nhiều vị. Dưới đây là 2 vị thuốc chính thường gặp trong một bài thuốc Đông y.
- Thuốc chính (chủ dược): Là vị thuốc giải quyết bệnh chính từ đó giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.
- Thuốc hỗ trợ: là vị thuốc đóng vai trò hỗ trợ giúp tăng thêm tác dụng cho vị thuốc chính để quá trình điều trị sớm đạt kết quả tốt.
- Thuốc tùy chứng gia thêm hay còn gọi là tá dược: Là vị thuốc được dùng để hỗ trợ giải quyết các triệu chứng phụ của bệnh, giúp điều trị triệt tận gốc. Ví dụ như kém ăn thì dùng thì sẽ dùng thêm thần khúc.
- Ngoài ra trong một số bài thuốc Đông y còn có thêm vị thuốc sứ dược. Vị thuốc này đóng vai trò như sứ giả là thuốc dẫn để cơ thể hấp thụ tốt các hoạt chất
Cách phối hợp các vị trong bài thuốc Đông y
Các bài thuốc Đông Y thường được phối theo nguyên tắc phối ngũ có sự tương tác với nhau. Cụ thể
Tăng cường lẫn nhau (tương tu): Các phối hợp này sẽ giúp gia tăng tác dụng khi 2 vị thuốc có công năng giống nhau. Ví dụ: dùng tri mẫu kết hợp với thạch cao sẽ giúp nâng cao tác dụng thanh nhiệt.
- Hỗ trợ lẫn nhau (tương sử): Là cách phối hợp nhằm tăng tác dụng của thành phần chính trong đơn thuốc nhờ các vị thuốc phụ trợ khác. Ví dụ dùng mộc hương giúp nhuận tràng thông tiện sẽ giúp bổ trợ cho hoàng liên trong điều trị bệnh lỵ.
- Ức chế lẫn nhau (tương sát): Cách phối hợp này sẽ khiến độc tính của thuốc giảm.
- Ác chế lẫn nhau (tương ố): Là cách phối hợp 2 vị thuốc làm giảm hoặc mất tác dụng của nhau. Ví dụ khi phối hợp nhân sâm với lai phục tử thì tác dụng bổ khí của nhân sâm sẽ bị mất.
- Kiềm chế lẫn nhau (tương úy): Là khi 2 vị thuốc phối với nhau sẽ giúp loại bỏ độc tính của nhau.
- Không tương thích lẫn nhau (tương phản): Là sự kết hợp tạo ra tác dụng phụ.
- Tác dụng đơn lẻ (đơn hành): Là khi sử dụng duy nhất 1 vị thuốc để phát huy công dụng của chính nó.
Cách dùng thuốc Đông y
Hiệu quả của các bài thuốc Đông y không chỉ phụ thuộc vào vị thuốc, cách bào chế, phối hợp mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều từ cách sử dụng. Vì vậy trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh nên thực hiện theo cách làm dưới đây.
Cách sắc thuốc
- Ấm sắc: Nên dùng ấm bằng đất nung hoặc sứ không sử dụng các loại ấm làm từ kim loại kể cả ấm nhôm. Vì các hoạt chất hữu cơ của thuốc có thể bị kim loại phân hủy, làm biến đổi chất thuốc, thậm chí có thể sinh độc cho bài thuốc.
- Nước sắc thuốc: Dùng nước sạch để sắc thuốc, đổ nước ngập thuốc chừng 2 đốt ngón tay vào lần sắc đầu. Những lần sau thì giảm lượng nước hơn lần đầu một chút.
- Lửa sắc: Tùy vào từng bài thuốc mà mức lửa khi sắc sẽ để khác nhau. Đối với thuốc cần lấy khí để thanh nhiệt thì để mức lửa vừa cho thuốc sôi khoảng 20 phút nhằm giữ khí của thuốc. Đối với thuốc chữa các bệnh hư tổn thì vặn lửa nhỏ để sôi âm ỉ khoảng 60 phút.
- Cách sắc: Trước khi sắc thuốc, nên ngâm thuốc với nước ấm hoặc nước sạch khoảng 15 phút để làm sạch và rút ngắn thời gian sắc thuốc. Các thuốc là khoáng vật cần sắc trước, các thuốc có tinh dầu như gừng, tía tô, bạc hà thì cho vào khi sắc gần xong. Các vị thuốc quý như nhân sâm, linh chi, nhung hươu,.. thì cần sắc riêng rồi mới phối với nước thuốc. Các loại cao thuốc, mật ong thì thường dùng hòa tan với nước thuốc khi còn ấm.
Cách uống thuốc:
Thông thường mỗi thang thuốc người ta thường sắc và uống trong 2 lần.
- Nếu là thuốc bổ thì nên sắc 3 lần rồi trộn lẫn uống hết trong 1 ngày
- Đối với thuốc thanh nhiệt và thuốc dưỡng âm thì người bệnh nên uống lúc nguội.
- Đối với thuốc tán hàn, bổ dưỡng thì nên uống khi nóng để đạt kết quả tốt nhất
- Đối với thuốc bổ và chữa bệnh mãn tính thì nên uống sau ăn 1-2 giờ thông thường người ta thường uống vào 8h sáng, 2h chiều, tối trước khi đi ngủ.
- Đối với thuốc chữa bệnh về dạ dày, tâm ngực thì nên uống sau ăn 20-30 phút
- Đối với các bệnh về thận, đường ruột và các bệnh từ lưng trở nên thì uống thuốc trước ăn khoảng 30-60 phút.
- Trẻ em khi uống thuốc Đông y thì nên chia thành nhiều lần để uống trong ngày.
Thuốc Đông y nhiều có tốt không?
Được đánh giá là an toàn, lành tính, không tác dụng phụ tuy nhiên khi sử dụng người bệnh tuyệt đối phải tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo của các thầy thuốc.
Không lạm dụng, dùng quá liều, dùng quá lâu, cắt thuốc và uống thuốc bừa bãi. Vì cũng giống như các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, đồ uống khác việc dùng thuốc Đông Y quá liều cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Nhất là việc lạm dụng một số vị thuốc như chu sa, tử châu, lục thần khúc,… trong thời gian dài sẽ khiến chức năng gan, thận bị suy giảm rõ rệt.
Chưa kể đến các trường hợp: dùng thuốc không được bào chế đúng cách, bảo quản dược liệu không đúng kỹ thuật, sử dụng thuốc không có nguồn gốc rõ ràng, kết hợp vị thuốc không đúng cách, dược liệu còn dư tồn thuốc trừ sâu hoặc nhiễm kim loại nặng,…có thể gây ngộ độc, đau bụng thậm chí là gặp một số tác dụng phụ khác cho người bệnh.
Vì vậy khi dùng thuốc Đông Y bạn nên đi thăm khám, chẩn đoán, cắt thuốc tại các cơ sở Y học cổ truyền uy tín, đồng thời tuân thủ đúng hướng dẫn của các thầy thuốc trong quá trình sử dụng.
Uống thuốc Đông y có tác dụng gì? Uống bao lâu thì có tác dụng?
Các vị thuốc Đông y khi được kết hợp đúng theo nguyên tắc phối ngũ với liều lượng quy định sẽ giúp tạo ra những bài thuốc chữa bệnh hoàn hảo. Khắc phục hiệu quả các chứng bệnh như: Đau nhức các khớp, viêm phế quản, viêm phổi mãn tính, hen suyễn, các bệnh về gan, thận, dạ dày, bệnh tiểu đường, huyết áp, mất ngủ, các bệnh về sinh lý như: di tinh, rối loạn cương dương, các bệnh tai-mũi-họng, làm đẹp, tăng-giảm cân,…
Dù có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng việc dùng thuốc Đông y đòi hỏi sự kiên trì, liên tục trong thời gian dài mới có thể cảm nhận được tác dụng.
Theo các chuyên gia các bài thuốc này chỉ thực sự phát huy công dụng sau khoảng 2-3 tháng sử dụng. Ngoài ra tác dụng của bài thuốc còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, tình trạng bệnh lý nặng hay nhẹ, chế độ ăn uống kiêng khem có đúng không,…
Người bệnh cần lưu ý trong quá trình sử dụng nếu thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường hoặc bệnh tình không cải thiện thì nên dừng thuốc và đi gặp bác sĩ để được đưa lời khuyên kịp thời.
Các bài thuốc Đông y nổi tiếng
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y điều trị các căn bệnh thường gặp mà mọi người có thể tham khảo.
- Bài thuốc đông y trị mụn: Chuẩn bị: 20g thục địa, 16g mạch môn, 12g mỗi vị ngưu tất, trạch tả, hoài sơn, đan bì, bạch linh; 8g ngũ vị. Nguyên liệu trên đem sắc với 5 bát nước, đến khi còn khoảng 3 bát thì tắt bếp, chắt nước chia 3 phần rồi dùng trong ngày. Khi sử dụng bài thuốc này người bệnh cần kiêng đồ cay, nóng
- Bài thuốc đông y chữa yếu sinh lý nam: Nguyên liệu 15g mỗi thứ hoài sơn, sơn thù, 10g mỗi thứ tri mẫu, hoắc hương, bạch linh, đan bì, trạch tả, hoàng bá, 4g xà sàng. Nguyên liệu trên đem sắc thành thuốc, rồi chia thành 2 phần để dùng trong ngày.
- Bài thuốc đông y chữa xương khớp: Lấy 20g cỏ xước, 10g cỏ mực, 10g thổ phục linh, 6g ké đầu ngựa đem sắc với 300ml nước khoảng 20 phút rồi chắt nước uống 2 lần trong ngày. Bài thuốc này sẽ giúp cải thiện các bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa đĩa đệm, loãng xương hiệu quả.
- Bài thuốc đông y trị viêm xoang: Chuẩn bị 12g mỗi vị sinh địa, mạch môn, huyền sâm, đan bì; 16g mỗi vị ngân hoa, ké đầu ngựa; 20g hà thủ ô; 8g tân di. Sau khi làm sạch nguyên liệu thì cho vào sắc với nước chắt nước cốt để dùng.
- Thuốc đông y trị mất ngủ: Chuẩn bị 10g hoa nhài tươi, 10g táo nhân, 5g tâm sen cùng 20g lá vông. Lá vông đem sấy khô rồi tán thành bột, táo nhân thì sao đen, đập cho dập. Sau đó đem táo nhân, tâm sen, lá vông vào hãm với 1 lít nước sôi, khi nước còn ấm thì cho hoa nhài vào. Người bệnh dùng như trà bình thường sẽ giúp an thần, cải thiện giấc ngủ.
- Bài thuốc đông y trị nám tàn nhang: Lấy 6g mỗi thứ khương hoạt, phòng phong, xuyên khung, hoa hồng; 12g mỗi thứ sinh địa, sơn dược; 8g mỗi thứ đương quy, chi tử; đông qua nhân 30g đem sắc rồi uống hàng hàng.
- Thuốc đông y chữa dạ dày: Chuẩn bị 12g mỗi vị diên hồ sách đập dập, cam thảo, trần bì; 20g mỗi thứ hương phụ, ô dược; sa nhân 8g. Sắc các vị thuốc trên với 1,5 lít nước đến khi còn khoảng 150ml nước thì dừng lại, chia nước thuốc thành 4 phần để uống trong ngày.
- Thuốc đông y trị xuất tinh sớm: Lấy 20g nhân sâm, 20g hạ thảo, 50g hoài sơn, 200g nhung hươu, 25g đại táo. Sau khi rửa sạch và để ráo nước thì cho tất cả vào nồi thêm nước rồi hầm trong 3 tiếng. Người bệnh nên ăn nhiều lần trong ngày, ăn cả cái và nước
- Thuốc đông y chữa trào ngược dạ dày: Đem sắc 16g mỗi thứ hoài sơn, bạch truật, cát căn, liên nhục, ngưu tất; 10g bán hạ chế, chỉ xác; 20g hắc táo nhân, phòng sâm, 12g cam thảo, trần bì, viễn chí. Chia nước thuốc thành 4 phần và dùng trong 2 ngày, mỗi ngày dùng 2 lần vào sáng và tối nên dùng sau ăn.
Ưu điểm, nhược điểm khi dùng thuốc Đông Y
Cả thuốc Đông y và thuốc Tây đều hướng đến mục đích chung là trị bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con người. Tuy nhiên mỗi loại thuốc lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng của mình.
Vì vậy tùy vào tính chất của bệnh mà người dùng nên cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho mình. Dưới đây một số điểm mạnh và điểm yếu của thuốc Đông Y
Ưu điểm:
- An toàn trong quá trình sử dụng: Do các nguyên liệu của các bài thuốc Đông y chủ yếu là các thảo dược tự nhiên không chứa hóa chất nên rất an toàn cho người dùng trong quá trình sử dụng. Mặt khác các bài thuốc này được bào chế thủ công nên dược tính được đảm bảo
- Không gây tác dụng phụ khi dùng: Khác với các loại thuốc tây các bài thuốc Đông y khá lành tính và an toàn. Chúng thường không gây tác dụng phụ cho gan, thận và dạ dày.
Nhược điểm:
- Tác dụng đến chậm: Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì tác dụng điều trị của thuốc Đông y lại đến khá chậm so với thuốc Tây. Người bệnh phải mất khá nhiều thời gian sử dụng thì bệnh mới có cải thiện.
- Không tiện lợi khi dùng: Để sử dụng được thuốc Đông y người dùng phải mất thời gian đun sắc vài tiếng đồng hồ, gây bất tiện cho những người có công việc bận rộn.
Khi uống thuốc Đông y nên kiêng gì?
Trong quá trình sử dụng để tránh những tác động không mong muốn của đồ ăn, thức uống với các vị thuốc Đông Y người bệnh nên hạn chế những thực phẩm dưới đây:
- Đối với thuốc thanh nhiệt giải độc: Người bệnh nên hạn chế các món ăn hải sản như cua, cá biển, nhộng,… vì đây đều là các protein lạ có khả năng tăng nguy cơ dị ứng
- Đối với thuốc thanh nhiệt, an thần: Thì tuyệt đối kiêng kị các món ăn cay, nóng như rượu, ớt, hạt tiêu,.. vì chúng có thể khiến cơ thể sinh nhiệt nặng hơn.
- Đối với các vị thuốc giải cảm: Cần kiêng ăn các chất chua, mặn vì những món ăn này có tác dụng ngược chiều với các vị thuốc, làm mất dược tính của thuốc ảnh hưởng đến kết quả quá trình điều trị.
- Đối với thuốc ôn lý trừ hàn, tân ôn giải biểu: Các bài thuốc này giúp đem đến sự ấm áp cho cơ thể nên khi sử dụng người dùng nên hạn chế những thức ăn tanh, lạnh như cua, ốc, thịt trâu, ba ba, rau sống, rau dền, mồng tơi
- Đối với thuốc kích thích tiêu hóa, kiện tỳ, tiêu thực, chữa bệnh cam trẻ em: Người bệnh nên kiêng những thức ăn có dầu mỡ, khó tiêu
- Thuốc có mật ong: Thì không nên ăn hành bởi điều này sẽ làm mất mùi thơm, vị ngọt của thuốc và khiến tác dụng nhuận bổ củ mật ong bị hạn chế.
- Thuốc thanh phế trừ đàm: Không ăn chuối tiêu dễ gây rối loạn tiêu hóa
- Thuốc bổ dưỡng: Không nên ăn rau bẹ, đậu xanh vì nó sẽ làm thuốc mất công dụng
- Trong thời gian uống thuốc Đông y: Không nên uống sữa, nước chè (trừ một số bài thuốc dùng lục trà làm vị). Bởi một số vị thuốc khi dùng chung với sữa và nước chè sẽ tạo lên các chất phức hợp gây cản trở việc hấp thụ của cơ thể và ảnh hưởng tác dụng của thuốc
Lưu ý khi sử dụng thuốc Đông y
Trong quá trình sử dụng thuốc Đông y người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Cần dùng thuốc đúng với bệnh: Theo Đông y các bệnh được chia thành các thể: hàn, nhiệt, hư, thực, tương ứng với mỗi bệnh sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy không có một phương thuốc nào có thể dùng chung có tất cả các bệnh. Nếu dùng sau thuốc không những gây hại cho sức khỏe mà nhiều trường hợp còn có thể dẫn đến tử vong. Ví dụ: nhiệt gặp nhiệt sẽ tắc cuồng, hàn gặp hàn sẽ tắc tử
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc quá liều: Cũng giống như thuốc Tây, việc lạm dụng quá liều thuốc Đông y trong thời gian dài cũng có thể gây tổn hại cho cơ thể như: ngộ độc, suy thận, suy gan,… Vì vậy người bệnh nên dùng theo liều lượng mà thầy thuốc đã hướng dẫn để phù hợp với tình trạng bệnh.
- Đảm bảo nguyên tắc khi phối hợp thuốc: Điều này hết sức quan trọng bởi có những vị thuốc khi phối hợp với nhau sẽ sinh độc hoặc kiềm chế công dụng của nhau. Ngoài ra tùy vào từng loại bệnh các thầy thuốc sẽ hướng dẫn nên ăn gì và kiêng gì để tránh tác dụng phụ. Do đó người bệnh nên khi nhớ hướng dẫn và thận trọng khi sử dụng.
- Không tự ý kết hợp thuốc Đông y lẫn Tây y: Người bệnh tuyệt đối không tự ý kết hợp dùng thuốc Đông y với tây y vì có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Ví dụ: khi dùng trạch tả (thuốc lợi tiểu) lại dùng thêm thuốc lợi tiểu Tây Y như spironolacton có thể dẫn đến tăng kali huyết… Trong trường hợp thực sự cần thiết thì người bệnh nên hỏi thăm ý kiến các chuyên gia.
Dùng thuốc Đông y để chữa bệnh vừa an toàn và hiệu quả. Vì vậy hiện có rất nhiều người bệnh lựa chọn phương pháp này. Tuy nhiên cần lưu ý rằng không được lạm dụng quá liều mà phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!