Bệnh Ho: Các Dạng Ho Thường Gặp Và Cách Điều Trị Hiệu Quả Nhất

Đánh giá bài viết

Ho có thể là triệu chứng của bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường nhưng đôi khi cũng cảnh báo nhiều bệnh lý viêm đường hô hấp nguy hiểm khác. Để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, người bệnh nên hiểu rõ về nguyên nhân, các biểu hiện của bệnh cũng như phương pháp điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Bệnh ho là gì? 

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm đào thải các dị vật, tác nhân gây hại trong đường thở, hệ hô hấp. Theo Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Lê Phương – chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm trong điều trị ho cho biết:

Bác sĩ Lê Phương từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng

Bác sĩ Lê Phương từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng

“Đường thở được lót bởi các thụ thể có vai trò nhận biết sự xâm nhập của các dị vật, tác nhân gây hại cho hệ hô hấp như khói bụi, virus, vi khuẩn,… Khi phát hiện trong hệ hô hấp xuất hiện những tác nhân gây hại, các thụ thể này sẽ gửi tín hiệu đến não bộ. Não bộ thúc đẩy cơ liên hoàn và cơ sườn co lại và đẩy một luồng không khí ra bên ngoài để tống khứ các dị vật gây hại. Vì vậy, ho chính là một phản xạ bảo vệ hệ hô hấp”.

Đôi khi phản xạ này chỉ cảnh báo đơn giản rằng cơ thể đang hít phải khí bụi hay gặp dị nguyên. Tuy nhiên, ho cũng là triệu chứng cảnh báo cơ thể đang bị viêm nhiễm, mắc một bệnh lý nghiêm trọng nào đó nếu đi kèm với các triệu chứng như: ho kéo dài, cổ họng ngứa rát, căng tức ngực khó thở, sổ mũi, có máu, vùng bụng đau âm ỉ, nôn ói,…

Ho là phản xạ tự nhiên bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại

Ho là phản xạ tự nhiên bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại

Ho cũng được chia thành hai giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Trong đó:

– Ho cấp tính: Tình trạng ho kéo dài dưới ba tuần và đáp ứng với thuốc điều trị tương đối tốt.

– Ho mãn tính: Tình trạng ho kéo dài dai dẳng hơn 8 tuần ở người lớn. Trẻ bị ho kéo dài trên 4 tuần được xác định là giai đoạn mãn tính. 

Các dạng ho thường gặp: Nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng đi kèm

Có 6 dạng ho thường gặp và mỗi dạng lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có một số dạng ho đặc biệt nguy hiểm, là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý có thể đe dọa lớn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. 

Ho gà

Ho gà là một trong những dạng nhiễm trùng đường hô hấp nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bệnh thường do vi khuẩn Bordetella pertussis với lượng độc tính lớn làm đường thở sưng lên và gây ho dữ dội. Người bệnh bắt đầu ho dai dẳng 1-2 tuần với các triệu chứng như ho nhẹ, hắt hơi, sổ mũi. 

Bệnh ho gà rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ

Bệnh ho gà rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ

Bệnh sẽ nặng hơn trong 1-2 tháng tiếp theo với những cơn ho nặng, dữ dội trong suốt cả ngày, đặc biệt là về đêm. Biểu hiện điển hình nhất là mỗi cơn ho đều kéo dài với 15-20 tiếng ho liên tiếp. Tiếng ho rít lên như tiếng gà rít. Cơ thể rũ rượi và mệt mỏi do thiếu oxy, ở trẻ thường xuất hiện tình trạng tím tái, mắt đỏ. Cuối cơn ho thường xuất hiện đờm đặc trắng và trong đó có chứa vi khuẩn ho gà có thể gây lây lan.

Ho khan

Ho khan là biểu hiện của nhiều bệnh lý, bao gồm cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản (nhất là viêm phế quản dạng hen), hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, thậm chí là suy tim… Do cổ họng không tiết đủ chất dịch nhầy nên người bệnh rất hay gặp tình trạng ho khan ngứa cổ. 

Viêm họng và viêm phế quản do virus, vi khuẩn gây ra. Người bệnh bị nhiễm trùng tại họng, phế quản nên ho thường kèm theo những cơn sốt từ 38-39 độ C. Mỗi bệnh kèm theo triệu chứng điển hình riêng như người mắc viêm họng thường bị đau nhức họng còn người mắc viêm phế quản thường kèm theo tiếng thở khò khè, đau tức ngực.

Ho khan thường cảnh báo viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, hen suyễn

Ho khan thường cảnh báo viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, hen suyễn

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit trong dạ dày bị đẩy ngược trở lại họng và thanh quản. Axit kích thích cổ họng nên dẫn đến phản ứng ho sặc sụa. Ho cũng có xu hướng diễn tiến mãn tính trong trường hợp này.

Về hen suyễn, đây là bệnh lý có tính chất di truyền và thường gặp ở người có cơ địa dị ứng bẩm sinh. Khi bắt gặp các dị nguyên, lớp niêm mạc bị sưng viêm bất thường và đường thở bị thu hẹp. Ngoài phản ứng ho khan, người bệnh thường có biểu hiện thở nhanh, thở dốc, phổi như bị bóp nghẹn, khó thở.

Lý do suy tim có thể gây ra phản ứng ho khan được bác sĩ Lê Phương lý giải như sau: “Khi tim suy yếu không hút được máu từ phổi về. Điều này làm cho máu ứ đọng tại phổi khiến phổi bị cứng, mất đi tính đàn hồi, trở nên tắc nghẽn và dẫn đến ho khan khó thở”.

Ho có đờm

Ho có đờm xảy ra khi lớp niêm mạc đường hô hấp tiết dịch nhầy quá mức. Triệu chứng này là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi,… Đây đều là những bệnh lý do virus và vi khuẩn gây ra. 

Trong khi viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản có phản ứng kèm theo sốt vừa đến sốt cao thì người bệnh viêm phổi có thể bị sốt cao trên 38 độ hoặc hạ thân nhiệt xuống 35 độ. Người bị viêm phổi thường ho có đờm mủ xanh hoặc vàng kèm theo cảm giác đau tức ngực, khó thở trầm trọng. Viêm phổi cũng là bệnh lý có tính truyền nhiễm cao.

Ho có đờm xanh hoặc đờm vàng là dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp

Ho có đờm xanh hoặc đờm vàng là dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp

Ho về đêm

Nếu bạn ho nặng hơn về ban đêm kể cả trong lúc ngủ thì đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý: trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn, viêm phổi. Ngoài ra, người hút thuốc lá lâu năm cũng dễ gặp phản ứng này.

Trào ngược dạ dày thực quản: Khi nằm ngủ, thành phần axit trong dạ dày dễ dàng trào trở ngược lại thanh quản và gây ho. 

Viêm phổi và viêm phế quản: Do lớp niêm mạc tiết nhiều dịch nhầy nhưng khó đào thải ra ngoài do tư thế nằm nên dễ xảy ra ho về đêm. 

Hen suyễn: Sự chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm không khí giữa ngày và đêm cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến phản ứng ho về đêm do hen suyễn.

Ho ra máu

Ho ra máu là tình trạng ho nặng cảnh báo sức khỏe đang gặp vấn đề nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Phần lớn ho ra máu là biểu hiện của bệnh lao, viêm phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, suy tim nặng, chấn thương lồng ngực,… Ngoài tình trạng ho ra máu người bệnh thường có cảm giác nóng rát xương ức, ngứa cổ, đau tức ngực khó thở.

Ho ra máu là biểu hiện của viêm phổi mãn, lao phổi

Ho ra máu là biểu hiện của viêm phổi mãn, lao phổi

Ho sổ mũi

Ho sổ mũi phần lớn do cảm lạnh, cảm cúm virus gây ra. Thực chất các bệnh lý này không quá nguy hiểm, nhưng chúng lại là nguồn cơn khởi phát cho các bệnh viêm đường hô hấp khác. Phần lớn người bệnh mắc viêm họng, viêm amidan thường khởi phát sau một đợt cảm cúm, cảm lạnh kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần đặc biệt chú ý điều trị dứt điểm cảm lạnh, cảm cúm ngay từ sớm.

Cách trị ho hiệu quả nhất hiện nay

Tùy vào từng dạng bệnh mà phương pháp đặc trị sẽ khác nhau. Nhìn chung, để khắc phục ho người bệnh có thể tham khảo các biện pháp sau:

1. Mẹo dân gian trị ho tại nhà hiệu quả

Rất nhiều bài thuốc dân gian bào chế từ nam dược có tác dụng làm giảm ho hiệu quả. Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc dễ tìm nguyên liệu quanh bếp, quanh nhà với cách làm đơn giản sau:

Hoa đu đực đực trị ho rất tốt cho trẻ nhỏ

Hoa đu đực đực trị ho rất tốt cho trẻ nhỏ

– Trị ho bằng mật ong: Mỗi ngày người bệnh chỉ cần uống 1-2 tách trà mật ong ấm giúp dịu cổ họng tức thì. Lưu ý: Không dùng phương pháp này cho trẻ dưới 1 tuổi, trẻ có hệ tiêu hóa kém vì dễ gây ngộ độc.

– Cách chữa ho bằng lá hẹ: Lấy 1 vài lá hẹ hấp cách thủy cùng mật ong hoặc đường phèn và chắt lấy phần nước cốt để uống vào hai buổi sáng, tối. Tuy nhiên cha mẹ cần chú ý không dùng mật ong mà chỉ dùng đường phèn để bào chế.

– Cách chữa ho bằng hoa đu đủ đực: Lấy một ít hoa đu đủ đực đã giã nát hấp cách thủy cùng đường phèn, chắt lấy phần nước cốt pha loãng cùng nước lọc và uống 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên, không nên dùng cho bà bầu.

Mẹo dân gian chỉ giúp điều trị ho tạm thời, không thể giải quyết bệnh triệt để do dược lực còn yếu. Với những bệnh lý do virus, vi khuẩn gây ra, người bệnh cần đến các cơ sở y tế thăm khám kỹ lưỡng để được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gặp các biến chứng đáng tiếc.

2. Chữa bệnh bằng thuốc Tây y

Tùy vào từng dạng bệnh mà Tây y sẽ có phác đồ điều trị cụ thể. Với những bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp nguy hiểm như viêm phổi, lao hoặc suy tim, hen suyễn, người bệnh cần được điều trị chuyên sâu nhanh chóng, tránh các biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Đối với các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, ho gà, người bệnh thường được sử dụng các loại thuốc làm giảm ho như:

Thuốc trị ho chứa codein chỉ phù hợp cho trường hợp ho khan nhẹ

– Thuốc điều trị ho khan: Thuốc thường chứa các hoạt chất như Codein, Dextromethorphane, Alimemazin…

– Thuốc điều trị ho có đờm: Thuốc sẽ chứa các hoạt chất như Ambroxol, Acetylcystein, Carbocystein, Bromhexin…

Tất cả các loại thuốc này đều tiềm ẩn tác dụng phụ nên người bệnh chỉ được sử dụng thuốc nếu đã thăm khám kỹ lưỡng, có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Mặc dù mang lại hiệu quả giảm ho nhanh chóng nhưng chúng cũng chỉ là thuốc làm giảm triệu chứng bệnh. 

Với trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn, tùy thuộc vào chủng gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc kháng sinh. Với trường hợp mắc bệnh do virus, người bệnh sẽ không được chỉ định kháng sinh và phụ thuộc vào sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, bên cạnh các loại thuốc giảm ho người bệnh nên bổ sung thêm các loại thuốc giúp tăng cường các yếu tố vi lượng, nâng cao sức đề kháng.

Bị ho không nên ăn gì? Nên ăn món gì?

Để gia tăng hiệu quả của thuốc, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể giúp bệnh phục hồi nhanh chóng hơn, người bệnh nên:

Ho nên ăn gì kiêng gì cho mau khỏi

– Kiêng ăn: Các thực phẩm khô cứng ma sát họng như bánh nướng giòn, hạt khô cứng,… Người bệnh cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm khó chuyển hóa chất như đồ chiên rán, nướng, xào nhiều dầu mỡ hoặc các thực phẩm kích thích cổ họng như đồ cay nóng. Tuyệt đối không uống nhiều rượu bia hay sử dụng thực phẩm chứa chất kích thích.

– Nên ăn: Mỗi bữa ăn người bệnh cần bổ sung đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu là đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm giàu vitamin C, A, D, E,… Thực phẩm chứa nhiều kẽm và selen cũng rất có lợi cho hệ miễn dịch. Người bệnh có thể bổ sung thêm một số gia vị tốt cho người bị ho như bạc hà, hành, hẹ, tỏi,…

Biện pháp chăm sóc và phòng tránh bệnh hiệu quả

Một chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học không chỉ giúp bệnh nhanh khỏi mà còn ngăn ngừa bệnh ho tái phát sau điều trị. Theo đó người bệnh cần:

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng tránh ho cho trẻ hiệu quả

– Tiêm vắc xin đầy đủ: Tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp hiệu quả. Đặc biệt, cha mẹ phải tiêm phòng vắc xin lao, ho gà, cúm đầy đủ cho trẻ vì đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ.

– Bảo vệ đường hô hấp: Thường xuyên vệ sinh răng miệng, sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch họng và hỗ trợ diệt khuẩn, đeo khẩu trang để phòng tránh khói bụi ô nhiễm và dị nguyên gây hại, giữ ấm cổ họng vào mùa lạnh, tránh tiếp xúc với chất dịch của người đang mắc bệnh hô hấp.

– Lối sống lành mạnh: Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, nâng cao hệ hô hấp; nghỉ ngơi hợp lý, điều độ; giữ gìn vệ sinh nơi sống, học tập và làm việc.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh ho và phương hướng điều trị bệnh hiệu quả.

Chia sẻ

Bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua