Bài thuốc Đông y Tiểu sài hồ thang: Những điều bạn nên biết
Tiểu sài hồ thang là bài thuốc được nhắc đến với tác dụng hòa giải thiếu dương, trị chứng miệng khô, chán ăn, mắt mờ, phát sốt nhiệt… Theo các thầy thuốc Đông y, bài thuốc đem lại hiệu quả cao khi sử dụng kiên trì mỗi ngày 1 thang, ngày uống 2-3 lần.
Tiểu sài hồ thang – Bài thuốc Đông y hiệu nghiệm
Trong Thương Hàn Luận – tác phẩm về các vị thuốc y học cổ truyền của Trương Trọng Cảnh có đề cập đến Tiểu sài hồ thang. Theo tác giả, các thành phần dược liệu của bài thuốc có tính vị nhẹ, có tác dụng đả thông khí huyết, trị chứng phát nhiệt, loại bỏ tình trạng bứt rứt khó chịu ở bệnh nhân.
Ngày nay, bài thuốc vẫn được các thầy thuốc ứng dụng rộng rãi, giúp các bệnh nhân giải quyết hiệu quả tình trạng bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của bài thuốc chỉ phát huy khi sử dụng đúng cách, tác dụng đối với từng bệnh nhân cũng khác nhau.
Thành phần, công dụng của bài Tiểu sài hồ thang
Bài thuốc tiểu sài hồ bao gồm các thành phần sau:
- Sài hồ: 12-16gr.
- Sinh khương, hoàng cầm, đảng sâm, bán hạ: 8-12g.
- Chích cam thảo: 4-8gr.
- Đại táo: 4 quả.
Vị thuốc sài hồ có tác dụng đả thông khí, loại bỏ tà khí nên được coi là chủ dược. Đồng thời, hoàng cầm lại có tác dụng tả uất nhiệt, kết hợp với sài hồ giúp trị chứng hàn nhiệt vãng lai, đau tức mạn sườn cùng các bệnh ở thể hư. Trong khi đó, cam thảo, đảng sâm và đại táo lại ích khí điều trung điều hòa dinh vệ. Khi các nguyên liệu này kết hợp tạo nên bài thuốc với sự cân bằng, hiệu quả.
Cũng theo dược điển Thương Hàn Luận, bài thuốc cũng có tác dụng trong trị chứng đau tức vùng ngực, mắt mờ, nôn mửa do suy nhược… Ở những phụ nữ sau sinh bị sốt cao, sốt rét, cơn sốt tái phát nhiều lần Tiểu sài hồ thang cũng phát huy hiệu quả tích cực.
Cách dùng, liều lượng sử dụng bài thuốc
Các nguyên liệu có trong bài thuốc được sơ chế, phơi sấy trước khi sắc nấu. Quy trình sắc thuốc như sau:
- Bước 1: Đem các vị thuốc đi rửa sạch, rồi để ráo.
- Bước 2: Cho vào ấm 300ml nước rồi lần lượt thêm vào các dược liệu. Đun hỗn hợp trong khoảng 15 phút hoặc cho đến khi nước trong ấm còn 150ml thì tắt bếp.
- Bước 3: Chờ cho nước thuốc nguội bớt thì chắt ra bát rồi chia thành 2 lần và uống hết trong ngày.
Để phát huy hiệu quả mong muốn, người bệnh nên dùng theo liệu trình 7-10 ngày, mỗi ngày 1 thang. Nếu dùng để điều trị lâu dài nên nghỉ 3-5 ngày giữa 2 liệu trình.
Lưu ý: Ưu tiên sử dụng ấm đất để sắc nấu. Vì nếu sử dụng ấm kim loại vô tình sẽ sinh ra phản ứng hóa học gây hại cho sức khỏe.
Một số kiêng kỵ khi sử dụng thuốc
Nhằm bảo vệ sức khỏe người bệnh, gia tăng hiệu quả của bài thuốc các thầy thuốc Đông y khuyến cáo:
- Cam thảo có vị ngọt, tính mát nhưng đại kỵ với hải tảo, nguyên hoa, cam toại. Do vậy, trong quá trình sử dụng bài thuốc nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng những dược liệu trên.
- Bán hạ có chứa độc, đôi khi gây mẩn ngứa, không phù hợp với những người đang mang thai. Dùng chung bán hạ với ô đầu, xuyên ô, phụ tử là đại kỵ, có thể gây biến chứng nguy hiểm.
- Đảng sâm kỵ với lê lô, không được dùng chung bài thuốc với lê lô.
- Những bệnh nhân bị bệnh dạ dày, bệnh gan nên cân nhắc trước khi dùng, tốt nhất là tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Ứng dụng của Tiểu sài hồ thang trong thực tiễn
Trong chữa bệnh lâm sàng, bài thuốc Tiểu sài hồ thang được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh do phát nhiệt, huyết ứ, đau bụng dưới… Đối với mỗi tình trạng bệnh và điều kiện sức khỏe của bệnh nhân các dược liệu sẽ được gia giảm phù hợp:
- Những bệnh nhân sốt rét do phong hàn: Thêm vào thường sơn (đã sao vàng, ngâm rượu), thảo quả.
Đối tượng bị sốt thương âm do bệnh nhiệt thiếu dương: Thêm tần giao, sinh địa, đơn bì. Mục đích là để lương huyết dưỡng âm. - Người bệnh bị huyết ứ, bụng dưới căng tức: Thêm vào đương quy, đào nhân nhằm hóa ứ.
- Bệnh nhân bị bệnh do lạnh: Gia vào nhục quế để trừ hàn, hồi nhiệt.
- Người bị khí trệ: Thêm trần bì, hương phụ, chỉ xác.
Như vậy, Tiểu sài hồ thang là bài thuốc Đông y được ghi chép nhiều trong các dược điển. Tuy nhiên, tác dụng của bài thuốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, thể trạng mỗi người. Do vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng nên thường xuyên trao đổi với thầy thuốc để quá trình điều trị đạt hiệu quả.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!