Huyệt thái dương ở đâu? Tác dụng của huyệt vị này là gì?
Huyệt thái dương là huyệt vị có đặc tính kỳ huyệt, tác dụng chính là thanh nhiệt, minh nhục, sơ giải đầu phong. Cũng chính vì vậy mà y học cổ truyền thường sử dụng huyệt này để trị các chứng đau đầu, cảm mạo, các bệnh về mắt, chứng liệt mặt… và cho hiệu quả tương đối tích cực.
Huyệt thái dương là gì? Vị trí
Huyệt thái dương là huyệt nằm trên đường mạch xanh ngay sau đuôi lông mày. Đây chính là điểm nối của đuôi lông mày và đuôi mắt, cạnh chỗ hõm nhất sát ngay ngoài mỏm ổ mắt xương gò má. Đặc biệt, khi day ấn sẽ cảm thấy hơi ê tức, đồng thời mạch máu sẽ hiện rõ.
Tên gọi “thái dương” bắt nguồn từ chính vị trí của huyệt này. Thái có nghĩa là lớn, dương tức là những yếu tố liên quan đến phần dương của cơ thể. Do vậy, thái dương là huyệt vị chủ yếu liên quan đến phần dương, là nơi có động mạch thái dương đi qua.
Theo y học cổ truyền, thái dương là huyệt vị có nguồn gốc từ Thánh Tế Tổng Lục, đặc tính là kỳ huyệt. Huyệt đạo này có thể kết hợp với một số huyệt đạo sau:
- Huyệt hợp cốc và huyệt toàn trúc: Chủ trị nhức đầu do thương hàn.
- Huyệt ngư vĩ và huyệt tình minh: Chủ trị mắt sưng đỏ.
- Huyệt hợp cốc, huyệt tình minh, túc tam lý: Chủ trị mắt sưng đỏ, cơn đau đột ngột.
- Huyệt ấn đường, hợp cốc: Chủ trị cảm mạo, đau đầu.
- Huyệt ế phong: Chủ trị đau răng.
- Huyệt nhĩ tiêm: Chủ trị viêm kết mạc cấp tính.
- Huyệt toản trúc: Trị viêm mi mắt.
Tác dụng của huyệt thái dương
Trong các y thư về huyệt vị, thái dương có tác dụng sơ giải đầu phong, minh mục, thanh nhiệt. Vì vậy mà huyệt vị này được dùng chủ yếu trong trị chứng đau đầu, cảm mạo, bệnh về mắt, thần kinh sinh ba đau.
Từ xa xưa, thái dương đã được coi là huyệt vị an toàn, có nhiều tác dụng trong trị liệu. Cụ thể:
- Bệnh đau đầu, đau mắt: Khi thái dương được tác động sẽ giúp tinh thần được giải tỏa, thư giãn, xóa tan cảm giác mệt mỏi. Do vậy, việc bấm huyệt này giúp điều trị nhiều bệnh lý, trong đó chứng đau đầu, đau mắt là phổ biến hơn cả.
- Giảm đau nhức, áp lực của hệ thần kinh: Phương pháp bấm huyệt vị này giúp giải phóng cơn đau, giãn cơ, hạn chế những áp lực đến hệ thần kinh. Đồng thời, điều hòa và tăng cường chức năng của hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
- Tăng cường miễn dịch và khả năng hấp thụ dinh dưỡng: Tác dụng này được y học cổ truyền đánh giá cao khi đem lại hiệu quả với người gầy yếu, kém ăn.
- Giảm căng thẳng, lo âu: Khi bấm vào thái dương, tinh thần của người bệnh sẽ được thư giãn và luôn ở trạng thái thoải mái nhất do các dây thần kinh được giãn ra, không còn bị căng thẳng.
- Một số tác dụng khác: Giúp làm đẹp da, hỗ trợ săn chắc cơ mặt.
Cách bấm huyệt trị liệu
Theo các thầy thuốc Đông y, cách bấm huyệt thái dương tương đối đơn giản, chỉ cần dùng ngón tay day vào vị trí huyệt trong 30 giây. Sau khi lặp lại vài lần, các cơn đau ở mắt, đau nửa đầu sẽ được cải thiện. Bên cạnh thao tác này, người bệnh cũng nên:
- Vuốt da mi phần mắt: Nhẹ nhàng nhắm mắt, sau đó dùng ngón trỏ vuốt ngoài da mi theo hướng từ trong da ngoài. Vuốt như vậy khoảng 50 lần để giảm căng thẳng, mỏi mắt. Phương pháp này cực kỳ phù hợp với những người thường xuyên phải làm việc với máy tính.
- Xoa nhẹ quanh mắt: Lấy ngón trỏ và ngón giữa đặt cạnh nhau, nhẹ nhàng xoa từ cánh mũi lên đến trán rồi kéo xuống. Lặp lại 50 lần tình trạng mỏi mắt sẽ được cải thiện.
Lưu ý: Bấm thái dương là phương pháp an toàn và đem lại hiệu quả cao. Bởi chỉ với những động tác đơn giản, không cần tác động mạnh vào cơ thể cơn đau đã thuyên giảm, đồng thời củng cố sức khỏe. Tuy nhiên, cũng cần thực hiện đúng hướng dẫn, kiên trì để đem lại hiệu quả mong muốn.
Huyệt thái dương đóng vai trò quan trọng trong sơ giải đầu phong, hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những tử huyệt do nằm ở vị trí của động mạch thái dương nên nếu bị tác động mạnh sẽ gây nguy hại cho dương khí, thậm chí là tử vong. Do vậy, cần hết sức thận trọng khi xoa bóp, bấm huyệt này.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!