Bệnh vảy nến – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

4.9/5 - (7 bình chọn)

Bệnh vảy nến không chỉ gây khó chịu, làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc nắm bắt các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn đọc chủ động trong điều trị, phòng tránh, từ đó bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bệnh vảy nến là gì? Cách phân loại bệnh

Bệnh vảy nến (tên tiếng anh là Psoriasis) là một dạng bệnh viêm da mãn tính. Cơ chế phát bệnh là do các tế bào mới tăng sinh quá nhanh, gấp 10 lần so với bình thường. Những tế bào này không kịp bong ra mà chồng chất lên nhau, tích tụ lại 1 chỗ thành mảng dày có vảy màu trắng.

Theo thống kê của ngành y tế, trên thế giới có khoảng 2 – 3% dân số mắc căn bệnh này. Ở Việt Nam, số lượng người bị vảy nến chiếm khoảng 5 – 7% trong tổng số người bệnh da liễu.

Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ ai, không phân biệt lứa tuổi hay giới tính. Vảy nến phát triển thành nhiều đợt, gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh vảy nến rất thường gặp và có thể xuất hiện ở bất cứ ai
Bệnh vảy nến rất thường gặp và có thể xuất hiện ở bất cứ ai

Căn bệnh da liễu này có rất nhiều loại, người ta phân biệt theo vị trí hoặc dạng bệnh. Nếu phân loại theo dạng bệnh thì gồm những loại sau:

  • Vảy nến thể giọt
  • Vảy nến hồng
  • Vảy nến thể mủ
  • Vảy nến thể mảng
  • Vảy nến đồng tiền
  • Vảy nến thể tròn
  • Vảy nến thể nghịch

Nếu phân loại bệnh theo vị trí, vảy nến sẽ gồm những dạng sau:

  • Vảy nến da đầu
  • Vảy nến móng tay
  • Vảy nến da mặt
  •  Vảy nến ở chân, ngón chân
  • Vảy nến viêm khớp
  • Vảy nến toàn thân
  • Vảy nến ở nách
  • Vảy nến bàn tay, ngón tay

Nguyên nhân bệnh vảy nến

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh vảy nến. Cơ chế sinh bệnh cũng chưa thật sự rõ ràng, hiện chưa chứng minh được bệnh vảy nến có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và có dấu ấn của cytokine. Vì vậy, một số trường hợp vẫn bị nhầm lẫn bệnh này với các bệnh lý da liễu khác.

Dưới đây là một số yếu tố thuận lợi và phổ biến nhất dẫn đến bệnh vảy nến:

  • Do di truyền: Nếu cha mẹ, ông bà hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh thì con cái có khả năng cao mắc vảy nến. Theo thống kê, có đến 29,8% người bị bệnh do di truyền.
  • Do rối loạn hệ miễn dịch: Vảy nến là căn bệnh tự miễn, xảy ra khi tế bào bạch cầu tấn công vào tế bào da. Khi đó, các tế bào da sản xuất quá mức, phát triển quá nhiều, đẩy lên trên bề mặt da và chồng chất lên nhau.
Rối loạn hệ miễn dịch là một trong số nguyên nhân dẫn đến bệnh vảy nến
Rối loạn hệ miễn dịch là một trong số nguyên nhân dẫn đến bệnh vảy nến
  • Nhiễm khuẩn: Một số trường hợp bệnh phát sinh do một số loại virus có gen mã hóa ngược. Ngoài ra, các liên cầu khuẩn, ổ nhiễm khuẩn tại một số bộ phận như viêm amidan, viêm họng, viêm mũi… cũng có thể khiến bệnh vảy nến hình thành và phát triển.
  • Do tâm lý: Căng thẳng thần kinh, stress kéo dài, tâm lý bất ổn… có thể khiến da bị kích ứng và kích thích bệnh vảy nến bùng phát. Đối với những người đang bị bệnh này nhưng luôn có tâm trạng lo lắng quá mức sẽ khiến bệnh nặng hơn.
  • Rối loạn hệ thống chuyển hóa: Những người bị rối loạn chuyển hóa đường hoặc đạm sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Rối loạn nội tiết: Nguyên nhân này thường gặp ở phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh. Những đối tượng này có nội tiết tố không ổn định, từ đó gây các bệnh ngoài da.
  • Chấn thương ngoài da: Một số chấn thương ngoài da có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và phát triển, gây tổn thương da.
  • Tiếp xúc hóa chất: Người bệnh thường xuyên tiếp xúc da trực tiếp với chất tẩy rửa, bột giặt… có thể bị vảy nến.
  • Sử dụng chất kích thích: Dùng nhiều thuốc lá, bia, rượu, đồ có cồn… sẽ dễ gây kích ứng da, tạo cơ hội cho vảy nến hình thành.

Ngoài ra, bệnh còn do một số nguyên nhân khác như: Bỏng nắng, dùng thuốc, phẫu thuật, béo phì…

Triệu chứng bệnh vảy nến

Nhận biết các dấu hiệu của bệnh là cách tốt nhất để mọi người phát hiện và có cách điều trị kịp thời. Triệu chứng ở từng loại bệnh, đối tượng và giai đoạn sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung vảy nến sẽ có các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện từng mảng da cứng, nổi cộm, trên bề mặt có lớp vảy trắng, viền hồng. Nếu cạy lớp vảy này ra sẽ thấy các lớp da chồng lên nhau. Lớp vảy trắng dễ bong tróc.
  • Da khô, nứt nẻ và dễ bị chảy máu.
  • Phần da bị tổn thương ngứa ngáy khó chịu, nóng rát. Bệnh càng nặng ngứa càng dữ dội. Những cơn ngứa xuất hiện bất cứ lúc nào và rất thường xuyên.
  • Vùng da bị vảy nến ửng đỏ, các mảng có kích cỡ khác nhau. Số lượng vảy nến có thể tập trung ở bộ phận bị tổn thương, hoặc rải rác toàn thân.
  • Người bị vảy nến có thể bị viêm khớp hoặc cứng khớp, biến dạng khớp.

Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân bị vảy nến hiếm gặp có thể xuất hiện các triệu chứng khác.

Đa phần bệnh vảy nến xuất hiện theo chu kỳ, các triệu chứng nghiêm trọng trong vài ngày, vài tuần và có thể tự cải thiện. Sau đó, các dấu hiệu có thể tái phát hoặc nghiêm trọng hơn nên có điều kiện thích hợp.

Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, vảy nến là bệnh ngoài da thông thường, nhưng nếu không có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm khớp: Có khoảng 10 – 30% bệnh nhân bị vảy nến có nguy cơ bị viêm khớp khi các tổn thương phát triển xung quanh các khớp. Nếu bệnh nặng, có thể ảnh hưởng đến cột sống, hệ xương khớp, ảnh hưởng đến vận động và đi lại.
Bệnh có thể gây biến chứng viêm khớp, ảnh hưởng đến hệ xương khớp
Bệnh có thể gây biến chứng viêm khớp, ảnh hưởng đến hệ xương khớp
  • Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: Bệnh vảy nến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp. Một số loại thuốc điều trị căn bệnh này còn có thể khiến người bệnh bị đột quỵ, tăng cholesterol trong máu…
  • Tăng nguy cơ suy thận: Do tính chất dai dẳng của bệnh, nên nhiều người phải dùng thuốc trong thời gian dài. Việc này rất dễ ảnh hưởng đến thận, gây suy thận.
  • Mắc các bệnh liên quan đến nội tiết: Người bệnh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ, béo phì…
  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý: Các vùng da bị vảy nến màu hồng, thô ráp làm da xấu xí, khiến người bệnh ngại giao tiếp, tự ti, mặc cảm…
  • Vì vậy, nếu thấy xuất hiện triệu chứng bệnh vảy nến, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị.

Bệnh vảy nến có lây không? Có tự khỏi không?

Nhiều người nghĩ rằng, bệnh vảy nến có thể lây nhiễm khi dùng chung khăn, quần áo, chăn mền… Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm.

Theo các chuyên gia da liễu, vảy nến là bệnh xuất phát từ hệ miễn dịch chứ không phải do vi khuẩn gây nên. Các thế bào miễn dịch tấn công vào da, hình thành tại một số vị trí như tay, chân, da đầu, móng tay, móng chân… Bệnh không lây lan từ người sang người qua đường tiếp xúc, mà nó hình thành do chính cơ thể người bệnh. Do đó, mọi người không nên quá lo lắng khi tiếp cận với người bị bệnh.

Vảy nến là bệnh dai dẳng và không thể tự khỏi, khó chữa dứt điểm. Hiện nay, chưa có loại thuốc nào chữa khỏi bệnh hoàn toàn mà chỉ giúp giảm triệu chứng khó chịu. Bệnh thường xuyên tái phát, có khoảng thời gian phát triển mạnh, sau đó tự thuyên giảm.

Tuy nhiên, nếu người bệnh phát hiện sớm, điều trị theo đúng phác đồ và có sự kiên trì thì bệnh có thể kiểm soát, cải thiện đáng kể và hạn chế tái phát.

Cách chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh vảy nến, các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng bên ngoài, sự thay đổi của da, sự hình thành vảy, nổi sẩn, khô da, ngứa ngáy… Đồng thời kiểm tra lịch sử bị bệnh, bệnh án gia đình.

Nếu các dấu hiệu vảy nến không rõ, hoặc nghi ngờ bệnh lý khác nghiêm trọng hơn, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu da nhỏ để làm sinh thiết da, kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này có thể chẩn đoán chính xác tình trạng vảy nến, các nhiễm trùng, rối loạn da…

Điều trị bệnh vảy nến

Hiện nay, có rất nhiều cách chữa vảy nến hiệu quả, giảm nhanh triệu chứng. Tùy vào mức độ bệnh, nguyên nhân mà bệnh nhân lựa chọn phương pháp phù hợp.

Cách trị vảy nến dân gian

Với những người bị vảy nến nhẹ, các triệu chứng không nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tham khảo áp dụng chữa bằng phương pháp dân gian với những bài thuốc từ thảo dược quen thuộc. Một số bài thuốc phổ biến như:

  • Chữa vảy nến bằng lá khế: Chuẩn bị 1 ít lá khế, lá ổi, lược vàng, đem rửa sạch, cho vào nồi cùng 2 lít nước đun sôi. Sau đó dùng hỗn hợp nước này pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ vừa phải, dùng để tắm. Phần bã có thể sử dụng để chà nhẹ lên da. Hoặc bệnh nhân có thể dùng lá khế giã nát, đắp trực tiếp lên da bị vảy nến.
Lá khế có tác dụng giảm triệu chứng ngứa ngáy và khô da
Lá khế có tác dụng giảm triệu chứng ngứa ngáy và khô da
  • Chữa vảy nến bằng lá lốt: Dùng 1 nắm lá lốt tươi, rửa sạch, cho vào nồi cùng khoảng 2 lít nước đun sôi 15 phút. Để nước bớt nóng và tắm hàng ngày.
  • Sử dụng dầu dừa: Lấy 1 ít dầu dừa cho vào chén, đặt vào tô nước ấm. Làm sạch vùng da bị bệnh, thoa trực tiếp dầu dừa lên và massage nhẹ nhàng 10 – 15 phút hoặc lâu hơn (không quá 1 tiếng). Rửa lại với nước sạch, thấm khô da bằng khăn mềm.
  • Trị vảy nến bằng lá trầu không: Lấy 1 nắm lá trầu và rau răm rửa sạch, cho vào nồi đun cùng 2 lít nước trong khoảng 10 phút. Thêm một ít muối hạt vào. Lọc lấy phẩn nước, để nguội bớt và dùng gội đầu hoặc rửa vùng da bị vảy nến. Hoặc người bệnh có thể dùng lá trầu giã nát, thêm 1 chút muối và đắp trực tiếp lên da bị tổn thương 3 lần 1 tuần.
  • Cây vòi voi chữa vảy nến: Chuẩn bị 1 nắm cây vòi voi tươi, rửa sạch, cho vào bình rượu, ngâm khoảng 10 ngày. Sử dụng phần rượu này để xoa bóp nhẹ nhàng vào vùng da vảy nến 1 ngày 1 lần.

Cách trị vảy nến dân gian có ưu điểm an toàn, lành tính, dễ thực hiện với nguyên liệu dễ kiếm, chi phí thấp. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này không cao, bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm, vảy nến dễ tái phát và trở nặng hơn. Mặt khác, cách chữa dân gian chưa được kiểm chứng khoa học, hiệu quả tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

Sử dụng phương pháp Tây y

Các loại thuốc Tây giúp giảm triệu chứng khó chịu do bệnh vảy nến gây ra. Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các bác sĩ kê đơn kết hợp các loại thuốc trị vảy nến phù hợp.

Thuốc bôi trị vảy nến: Được dùng trong trường hợp bệnh xuất hiện ở một vị trí da nhất định. Một số loại thuốc bôi thường dùng như:

  • Thuốc mỡ Salicylic: Có tác dụng cải thiện tình trạng bong da, khắc phục hiện tượng da bị sừng hóa. Thuốc không có công dụng trong việc điều trị bệnh khi có viêm thâm nhiễm trên nền da cứng.
  • Thuốc bôi Goudron: Có tác dụng làm tan vảy, cải thiện vùng da bị cứng khô do vảy nến, hỗ trợ làm lành các tổn thương.
  • Thuốc Anthralin: Đây là một loại thuốc khử oxy, dùng để điều trị bệnh vảy nến trong thời gian ngắn.
  • Thuốc bôi Corticoid: Dùng trong trường hợp bị vảy nến nặng. Thuốc có công dụng kháng viêm mạnh, giảm đau, ngăn chặn tổn thương da. Tuy nhiên thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì dễ gây tác dụng phụ.
  • Thuốc bôi chứa Vitamin A: Thuốc có tác dụng ổn định các tế bào bị sừng hóa, ngăn ngứa ngáy và khô da.
  • Các loại kem bôi khác: Có tác dụng làm mềm da, tạo độ ẩm cho da, ngăn hình thành mảng trắng bong tróc.
Thuốc bôi có tác dụng giảm khô ráp, bong tróc da, khắc phục triệu chứng vảy nến hiệu quả
Thuốc bôi có tác dụng giảm khô ráp, bong tróc da, khắc phục triệu chứng vảy nến hiệu quả

Điều trị vảy nến toàn thân: Áp dụng khi bệnh trung bình hoặc nghiêm trọng, các loại thuốc bôi không mang lại kết quả. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc uống hoặc tiêm để cải thiện triệu chứng vảy nến.

  • Thuốc Retinoid: Là một dẫn xuất của Vitamin A, có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất tế bào biểu bì, giúp bình thường hóa quá trình tái tạo da. Thuốc thường dùng trong trường hợp vảy nến viêm khớp, vảy nến diện rộng, vảy nến thể mủ…
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Methotrexate, Cyclosporin… Có tác dụng ức chế việc tăng sinh tế bào do vảy nến.
  • Thuốc Corticoid dạng uống: Được áp dụng với bệnh nhân nặng, có tác dụng kháng viêm, giảm đau hiệu quả.
  • Thuốc kháng Histamin: Có công dụng giảm ngứa, chống dị ứng và hạn chế mẫn cảm.
  • Thuốc an thần
  • Vitamin A, B12, C, Biotin, H3…

Thuốc Tây y có tác dụng giảm nhanh triệu chứng vảy nến, hiệu quả nhanh, giúp người bệnh bớt khó chịu. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu lạm dụng dễ gây nhờn thuốc. Một số vấn đề người bệnh có thể gặp phải khi dùng thuốc Tây trị vảy nến như: Giãn tĩnh mạch, rạn da, ảnh hưởng chức năng gan, suy thận, đau dạ dày, giảm bạch cầu…

Ngoài những loại thuốc trên, người bệnh vảy nến có thể áp dụng quang hóa trị liệu. Đây là cách điều trị vảy nến toàn thân phổ biến hiện nay. Các bác sĩ sẽ cho người bệnh uống thuốc cảm ứng ánh sáng quang trị liệu, 2 giờ sau tiến hành chiếu tia UVA, UVB vào da. Tác dụng của phương pháp này là giảm hoạt động và số lượng của tế bào T, giảm nguy cơ bong tróc và sừng hóa da.

Điều trị vảy nến bằng UVB, UVA dễ thực hiện, ít độc hại, bệnh có thể cải thiện đến 70%. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thực hiện trong thời gian dài, một số người gặp phải tình trạng buồn nôn, ngứa, đỏ da…

Chữa vảy nến bằng thuốc Đông y

Trong y học cổ truyền, bệnh vảy nến còn được gọi là Tùng bì tiễn, Bạch xác sang, Ngân tiêu bệnh. Bệnh phát sinh do huyết nhiệt, cộng với nhiễm phong hàn, khiến da bị khô, bong tróc.

Để điều trị, Đông y giải quyết bệnh từ căn nguyên, tạo lập cân bằng âm dương, đồng thời giải độc, tiêu viêm, tăng cường chức năng gan, thận và sức đề kháng. Do đó, phương pháp này cho hiệu quả cao.

Thuốc Đông y hiệu quả và an toàn cho sức khỏe, nhưng cần sử dụng trong thời gian dài
Thuốc Đông y hiệu quả và an toàn cho sức khỏe, nhưng cần sử dụng trong thời gian dài

Các bài thuốc Đông y từ thảo dược, thành phần được gia giảm tỷ lệ phù hợp với từng thể bệnh, mức độ bệnh. Một số bài thuốc Đông y trị bệnh vảy nến hiệu quả như:

  • Bài thuốc số 1: Sinh địa, ké đầu ngựa, thạch cao, hòe hoa sống, tử thảo và 1 số vị thuốc khác.
  • Bài thuốc số 2: Sinh địa, thổ phục linh, hòe hoa, cam thảo đất, ké đầu ngựa và 1 số vị thuốc khác.
  • Bài thuốc số 3: Hà thủ ô, huyền sâm, đương quy, oai linh tiên, ké đầu ngựa và 1 số vị thuốc khác.
  • Bài thuốc số 4: Dã hoa cúc, hỏa tiêu, phác tiêu…được sử dụng để ngâm hoặc rửa vùng da bị bệnh.

Y học cổ truyền là phương pháp chữa vảy nến hiệu quả vững chắc, an toàn và lành tính, người bệnh vảy nến không lo gặp tác dụng phụ hay ảnh hưởng đến phủ tạng.

Tuy nhiên, thuốc Đông y phải sử dụng thời gian dài mới đạt kết quả. Trước khi uống người bệnh cần đun sắc phức tạp, không tiện lợi, thuốc có vị đắng khó uống.

Mặc dù an toàn, nhưng tốt nhất người bệnh vảy nến nên tìm đến địa chỉ, phòng khám uy tín để khám và điều trị theo liệu trình của thầy thuốc. Tránh tình trạng sử dụng thuốc không phù hợp, thuốc bẩn hoặc thuốc không rõ nguồn gốc.

Bệnh vảy nến kiêng ăn gì? Nên ăn gì?

Để giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao và ngăn bệnh tái phát, người bệnh vảy nến cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, điều độ, kiêng khem hợp lý. Chuyên gia da liễu khuyên bệnh nhân nên ăn và kiêng những thực phẩm sau đây:

Bệnh vảy nến kiêng ăn gì?

  • Các loại thịt đỏ, trứng: Thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa, thịt cừu, xúc xích… chứa nhiều Axit Arachidonic – một loại axit béo không bão hòa đa, có thể khiến các tổn thương da do vảy nến thêm nghiêm trọng.
  • Sữa, chế phẩm từ sữa: Những thực phẩm này cũng chứa nhiều Axit Arachidonic và Protein, không tốt cho người bệnh.
  • Thực phẩm giàu Gluten: Lúa mì, lúa mạch, mỳ ống, mỳ sợi, bia, đồ uống chiết xuất từ lúa mạch… Bởi người bị vảy nến nhạy cảm với các thực phẩm này, khiến triệu chứng bệnh tăng nặng.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Thịt đóng hộp, trái cây và rau củ đóng hộp… Có thể làm rối loạn chuyển hóa, gây viêm và làm cho vảy nến phát triển toàn thân.
  • Gia vị: Muối, đường, ớt, quế, giấm… Có thể gây viêm, làm bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Rau củ thuộc nhóm Nightshade: Cà chua, khoai tây, cà tím, cần tây, khoai lang, củ cải, nấm… Khi ăn thực phẩm này sẽ làm triệu chứng nặng nề hơn và có thể gây viêm.
  • Rượu: Người bị vảy nến uống rượu quá nhiều sẽ khiến bệnh lâu khỏi, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và làm giảm tác dụng của một số loại thuốc điều trị.
Người bệnh vảy nến cần kiêng rượu để tránh triệu chứng và tình trạng viêm tăng nặng
Người bệnh vảy nến cần kiêng rượu để tránh triệu chứng và tình trạng viêm tăng nặng

Bệnh vảy nến nên ăn gì?

  • Hoa quả và rau xanh: Chứa nhiều chất chống oxy hóa, giảm viêm và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
  • Thực phẩm chứa nhiều axit béo Omega 3: Cá hồi, cá ngừ…Có thể giảm viêm, cải thiện triệu chứng vảy nến.
  • Dầu thực vật: Dầu oliu, dầu hạt lanh, dầu dừa…
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng như Vitamin D, C, A…

Những lưu ý cho người bệnh vẩy nến

Người bệnh vảy nến không chỉ cần lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, ăn uống khoa học mà còn cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Mỗi ngày cần vệ sinh vùng da bị bệnh sạch sẽ để tránh viêm nhiễm tăng nặng. Chú ý không sử dụng các loại dầu gội, sữa tắm chứa nhiều chất tẩy hoặc có thành phần kích ứng da.
  • Mặc quần áo thoáng mát, rộng và thoải mái. Thay đồ thường xuyên để tránh bụi bẩn, mồ hôi ảnh hưởng đến vùng da bị tổn thương.
  • Không dùng tay để gãi, bóc lớp da vảy nến để tránh vi khuẩn có hại tấn công.
  • Dùng kem dưỡng ẩm để da mềm, khỏe mạnh, không bị khô và bong tróc.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, bạn có thể bổ sung các loại nước hoa quả, nước ép hoặc sinh tố.
  • Tránh để da bị vảy nến tiếp xúc với bụi bẩn, môi trường ô nhiễm hoặc hóa chất độc hại.
  • Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ đúng giờ, đủ giấc, không để tinh thần bị căng thẳng, stress, ngủ nghỉ hợp lý.
  • Tập thể thao, thể dục để cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch.
  • Vệ sinh nơi ở, giường ngủ, gối, chăn mềm sạch sẽ.

Trên đây là những thông tin về bệnh vảy nến và cách điều trị hiệu quả. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm kiến thức về căn bệnh này.

Chia sẻ

Bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua