Viêm amidan mãn tính: Nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả
Viêm amidan mãn tính có xu hướng kéo dài dai dẳng và rất dễ tái phát liên tục. Ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống và gây suy giảm sức khỏe thì còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Cần nghiêm túc điều trị và chăm sóc tốt tại nhà để sớm kiểm soát bệnh.
Viêm amidan mãn tính là gì?
Viêm amidan mãn tính là thuật ngữ đề cập đến tình trạng viêm thường thuyên, viêm tái đi tái lại nhiều lần của amidan khẩu cái. Bệnh lý này có xu hướng tái đi tái lại khoảng 5 – 7 lần/ năm và mỗi lần sẽ kéo dài dai dẳng hơn 2 tuần.
Bệnh lý này không thể tự khỏi, thường kéo dài dai dẳng và bùng phát khi hệ thống miễn dịch suy yếu. Hơn nữa bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời.
Thông qua nhiều nghiên cứu lâm sàng, các nhà khoa học chia bệnh viêm amidan mãn tính ra thành 3 thể. Bao gồm:
– Viêm amidan hốc mủ:
Ở thể viêm amidan hốc mủ, khi quan sát amidan sẽ dễ dàng thấy trên bề mặt amidan xuất hiện các hạch mủ màu trắng đục nhỏ. Triệu chứng thường gặp là đau rát cổ họng và hôi miệng. Lúc ăn uống hay ho thì các hạch mủ có thể bật ra ngoài.
– Viêm amidan thể quá phát:
Đặc trưng bởi tình trạng amidan 2 bên bị sưng to và tấy đỏ. Tùy theo mức độ sưng mà bác sĩ chuyên khoa sẽ phân theo các cấp độ khác nhau. Khi 2 bên amidan sưng ở cấp độ cao nhất thì chúng sẽ chạm vào nhau và dẫn đến khó thở. Thậm chí là ngưng thở khi ngủ. Thể bệnh này thường phổ biến ở trẻ em.
– Viêm amidan thể xơ teo:
Thường phổ biến ở người lớn, amidan bị nhỏ lại, có bề mặt gồ ghề, lỗ chỗ hay chằng chịt xơ trắng. Có biểu hiện bị viêm nhiễm nhiều lần. Có màu đỏ sẫm trụ sau dày, trụ trước đỏ. Amidan mất đi vẻ mềm mại bình thường, ấn vào có thể thấy phòi mủ hôi ở các gốc.
Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan mãn tính
Viêm amidan mãn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm amidan tiến triển dai dẳng và trở nên kéo dài. Nó thường là hệ quả của các đợt viêm amidan cấp tính không được điều trị triệt để.
Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác gây bệnh viêm amidan mãn tính. Bao gồm cả các yếu tố nội giới và ngoại giới cùng nhau tác động cộng hưởng.
Các tác nhân gây viêm amidan mãn tính:
- Vi khuẩn: liên cầu β tan huyết nhóm A, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, S.pneu hemophilus, các chủng ái khí và yếm khí…
- Virus: Sởi, cúm, ho gà…
Các yếu tố thuận lợi có thể bao gồm:
- Thời tiết thay đổi đột ngột
- Ô nhiễm môi trường do khói bụi, khí, vệ sinh kém, điều kiện sinh hoạt thấp
- Cơ địa dị ứng, sức đề kháng kém
- Có các ổ viêm nhiễm ở miệng và họng như sâu răng, viêm VA, viêm lợi, viêm xoang…
- Đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều hốc, khe kẽ, ngách là nơi ẩn náu, cư trú và phát triển của vi khuẩn.
- Ăn quá nhiều đồ cay nóng, hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia.
- Viêm amidan cấp tính không được điều trị tốt, khiến bệnh diễn tiến nặng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm amidan mãn tính
Để nhận biết được bệnh viêm amidan mãn tính, bạn cần nắm rõ cả triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể và biểu hiện toàn thân của bệnh. Cụ thể như sau:
– Triệu chứng cơ năng:
- Thường có cảm giác nuốt vướng nghẹn ở họng. Đôi khi còn có cảm giác đau như bị mắc dị vật trong họng. Cơn đau còn có thể lên lên cả tai.
- Hơi thở thường xuyên có mùi hôi mặc dù đã vệ sinh răng miệng kỹ.
- Thỉnh thoảng có ho và bị khàn tiếng. Trẻ em có thể bị thở khò khè và ngáy to khi ngủ.
– Triệu chứng thực thể:
- Trên bề mặt amidan xuất hiện nhiều khe và hốc. Các khe và hốc này có chứa đầy chất bã đậu và thường xuất hiện mủ trắng.
- Ở thể quá phát, amidan sẽ sưng to như 2 hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng. Chúng lấn vào và làm hẹp khoang họng. Trụ trước có dấu hiệu đỏ. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em.
– Biểu hiện toàn thân:
- Các biểu hiện toàn thân thường không rõ ràng. Đôi khi không có triệu chứng gì ngoài các đợt tái phát hay hồi viêm có triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính.
- Đôi khi có biểu hiện toàn trạng gầy yếu, da xanh, ngây ngấy sốt về chiều.
Viêm amidan mãn tính có nguy hiểm không?
So với giai đoạn cấp của bệnh thì viêm amidan mãn tính được nhận định là nguy hiểm hơn gấy nhiều lần. Lúc này người bệnh đứng trước nguy cơ gặp phải rất nhiều vấn đề biến chứng. Ngoài gây hại cho sức khỏe thì một số trường hợp biến chứng còn đe dọa cả tính mạng.
Bệnh viêm amidan mãn tính có thể gây ra một số biến chứng như:
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Áp xe amidan
- Viêm mô tế bào amidan
- Viêm cầu thận
- Sốt thấp khớp
Chẩn đoán viêm amidan mãn tính
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng lâm sàng. Sau đó căn cứ thêm vào kết quả cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần thực hiện chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác.
1. Chẩn đoán xác định
Cần căn cứ vào cả triệu chứng cơ năng, triệu chứng toàn thân và các biểu hiện thực thể. Viêm amidan mãn tính có thể là 1 ổ viêm nhiễm gây nên một số bệnh lý toàn thân khác.
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số test để đưa ra chẩn đoán xác định. Bao gồm:
- Test Viggo – Schmidt: Cần thử công thức bạch cầu trước khi thực hiện nghiệm pháp. Bác sĩ sẽ dùng ngón tay để xoa trên bề mặt amidan trong khoảng 5 phút rồi thử lại công thức bạch cầu. Trường hợp amidan bị viêm sẽ cho kết quả số lượng bạch cầu tăng lên. Bạch cầu sẽ tăng dẫn trong vòng 20 phút sau đó giảm dần trong vòng 2 giờ và trở lại bình thường.
- Đo tỷ lệ ASLO trong máu: Tỷ lệ ASLO trong máu bình thường là 200 đơn vị. Tuy nhiên khi bị viêm do liên cầu khuẩn sẽ tăng cao, khoảng từ 500 – 1000 đơn vị.
- Test Le Mée: Trong trường hợp amidan viêm đã gây ra các biến chứng thì sau khi xoa lên mặt amidan sẽ thấy khớp đau hơn. Đồng thời xuất hiện phù nhẹ hay trong nước tiểu có hồng cầu.
2. Chẩn đoán phân biệt
Viêm amidan mãn tính cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý sau:
- Lao amidan: Có hội chứng nhiễm độc lao, cần thực hiện xét nghiệm lao loại trừ.
- Ung thư amidan: Thường bị to 1 bên amidan, xù xì, có thể bị loét hoặc không, mật độ cứng chắc. Hay xuất hiện hạch cổ to cùng bên. Trong trường hợp này cần sinh thiết để loại trừ.
- Giang mai thời kỳ 2: Niêm mạc họng có dấu hiệu đỏ lên với các vết trợt niêm mạc ở amidan và màn hầu. Cần thực hiện xét nghiệm giang mai loại trừ.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm amidan mãn tính
Đối với bệnh viêm amidan mãn tính, vấn đề điều trị chủ yếu là khắc phục triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng phát sinh. Ngoài dùng thuốc và chăm sóc tại nhà thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
1. Điều trị bằng thuốc Tây
Sử dụng thuốc Tây là giải pháp điều trị phổ biến với cả bệnh viêm amidan cấp tính hay mãn tính. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ xác định rõ căn nguyên và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Từ đó sẽ kê toa thuốc điều trị viêm amidan phù hợp cho từng cá thể người bệnh.
Một số loại thuốc thường được kê toa bao gồm:
- Thuốc giảm đau hạ sốt
- Thuốc chống viêm không steroid
- Thuốc giảm ho, long đờm
- Thuốc xịt tại chỗ
- Kháng sinh đường uống hoặc dạng tiêm
Tất cả các loại thuốc trên đây đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ liều lượng, tần suất và thời gian dùng thuốc được bác sĩ chỉ định. Trường hợp toa thuốc không đáp ứng hay gây ra các vấn đề bất thường, hãy báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý.
2. Mẹo làm giảm triệu chứng tại nhà
Các mẹo chữa amidan mãn tính tại nhà sẽ không giúp giải quyết triệt để bệnh nhưng có thể cải thiện tốt các triệu chứng. Từ đó giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là các mẹo làm giảm triệu chứng tại nhà được áp dụng phổ biến:
– Sử dụng rau diếp cá:
- Chuẩn bị 1 nắm lá rau diếp cá tươi đem ngâm nước muối loãng 5 phút
- Rửa lại vài ba lần cho sạch rồi ăn trực tiếp
- Hoặc người bệnh cũng có thể xay rau diếp cá lấy nước uống
– Dùng mật ong:
- Chuẩn bị 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất
- Ngậm trực tiếp trong miệng và nuốt từ từ
- Hoặc có thể pha nước mật ong ấm để uống
– Sử dụng tỏi:
- Chuẩn bị 2 – 3 tép tỏi tươi đem bóc sạch vỏ
- Giã nát rồi ngâm cùng 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất
- Sau khoảng 2 tiếng có thể đem ra ngậm và nuốt từ từ
-Sử dụng mật ong ngâm đông trùng hạ thảo:
Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong được mệnh danh là “thần dược” cho hệ hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm amidan mãn tính. Mỗi ngày sử dụng 1 – 2 thìa cafe mật ong ngâm trùng thảo pha nước nóng sẽ giúp giảm đau rát cổ họng, giảm ho, diệt khuẩn nhanh chóng.
Đối với các giải pháp tại nhà, người bệnh nên tìm hiểu kỹ, hãy tham khảo bác sĩ trước khi áp dụng. Bởi thực hiện không đúng có thể sẽ khiến cho bệnh tiến triển xấu và tiềm ẩn nhiều rủi ro ngoại ý.
3. Phẫu thuật cắt amidan
Phẫu thuật cắt amidan hiện đang là giải pháp được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên cần phải có chỉ định chặt chẽ. Chỉ tiến hành cắt trong các trường hợp amidan thực sự trở thành 1 ổ viêm ((focal infection) gây nhiều tác hại cho cơ thể.
Chỉ định phẫu thuật:
- Amidan viêm mãn tính nhiều lần, thường khoảng 5 – 6 lần mỗi năm.
- Amidan viêm mãn tính gây ra các biến chứng viêm tấy và áp xe quanh amidan.
- Amidan viêm mãn tính gây ra các biến chứng xa: Viêm cầu thận, viêm màng trong tim, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
- Amidan viêm mãn tính gây biến chứng viêm xoang, viêm mũi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng, viêm phổi…
- Amidan viêm mãn tính quá phát gây khó thở, khó nuốt, khó nói…
Chống chỉ định:
– Chống chỉ định tuyệt đối:
- Hội chứng chảy máu: Rối loạn đông máu, bệnh ưa chảy máu.
- Bệnh nội khoa: Suy tim, cao huyết áp, suy gan giai đoạn mất bù, suy thận…
– Chống chỉ định tương đối:
- Khi đang có viêm họng cấp tính hoặc có biến chứng áp xe amidan
- Đang có viêm, nhiễm khuẩn cấp tính như viêm xoang, mụn nhọt, viêm mũi.
- Khi đang có biến chứng do viêm amidan như thấp khớp cấp, viêm thận cấp… thì cần điều trị ổn định, hết đợt cấp mới được cắt.
- Đang có bệnh mãn tính chưa ổn định như viêm gan, lao, đái tháo đường, bệnh giang mai, AIDS…
- Phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh, thời kỳ mang thai hay đang nuôi con bú.
- Thời tiết quá nóng hay quá lạnh.
- Người quá yếu, trẻ quá nhỏ hay người trên 50 tuổi.
- Thận trọng với các trường hợp sử dụng thuốc nội tiết tố hay thuốc giảm đau trước đó, những người bệnh đang trong đợt tiêm chủng…
– Phương pháp phẫu thuật:
- Trước đây thường tiến hành phẫu thuật dưới gây tê tại chỗ bằng 2 phương pháp: Anse và Sluder.
- Hiện nay chủ yếu là áp dụng phẫu thuật dưới gây tê nội khí quản bằng phương pháp Anse hay trực tiếp bằng dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực, cắt bằng Coblator, Laser, dao siêu âm…
Chăm sóc và dự phòng viêm amidan mãn tính
Các chuyên gia cho biết, việc chăm sóc tốt không chỉ hỗ trợ quá trình điều trị bệnh mà còn ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh. Cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:
- Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi và thư giãn, giảm khối lượng công việc, không nên nói quá nhiều hay quá lớn.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, từ 2 – 2.5 lít/ ngày. Nên uống nước ấm hoặc các loại nước ép rau củ quả tươi để hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Sử dụng các loại đồ ăn mềm, dễ nuốt, tăng cường bổ sung vitamin từ hoa quả. Tuyệt đối không ăn đồ lạnh, đồ ăn cay nóng, hạn chế ăn đồ sống, gỏi, tái hoặc nộm.
- Thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng và vệ sinh mũi họng.
- Trong những ngày thời tiết hanh khô, nên cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm cho không gian sống.
- Tránh xa các tác nhân gây kích thích như khói thuốc lá, phấn hoa, mạt bụi, hóa chất, lông thú, nấm mốc…
- Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, nhất là với những người có sức đề kháng kém hay cơ địa dễ dị ứng
- Dành thời gian cho hoạt động thể chất. Có thể tham khảo bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc bổ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Điều trị triệt để các bệnh mũi họng khác như viêm mũi, viêm VA, viêm xoang mãn tính, viêm răng miệng…
Bệnh viêm amidan mãn tính thường có tiến triển dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Người bệnh nên nghiêm túc điều trị theo đúng phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định. Đồng thời chú ý chăm sóc tốt tại nhà để nhanh chóng kiểm soát tình trạng bệnh.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!