Huyệt Thừa Sơn: Vị trí, tác dụng và cách day, ấn trị bệnh
Huyệt Thừa Sơn nằm ở cuối bắp chân, có vai trò chi phối toàn bộ quá trình điều trị trĩ, sa đại tràng, liệt chi dưới. Tuy nhiên để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần xác định chính xác vị trí huyệt vị, tác động đúng cách với lực đạo vừa phải. Chi tiết về huyệt vị này sẽ được trình bày ngay trong phần viết dưới đây.
Huyệt Thừa Sơn là gì? Vị trí ở đâu?
Huyệt Thừa Sơn hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác là ngọc tru, ngư phúc, nhục trụ, trường sơn. Huyệt vị này có hình chữ V, nằm ở gần cuối bắp chân, nhìn giống như các ngọn núi nên gọi là Sơn. Ngoài ra do huyệt nằm ngay vị trí chịu nhiều lực tác động, có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể nên được gọi là huyệt Thừa Sơn.
Theo các chuyên gia Y học cổ truyền, huyệt Thừa Sơn có xuất xứ từ Thiên Vệ Khí, là một trong 67 huyệt vị của Kinh Bàng Quang, đứng thứ 57.
Huyệt vị này khi được giải phẫu phía dưới da sẽ là góc giữa của cơ sinh đôi bên trong và bên ngoài, gồm cơ dép, góc giữa cơ gấp, các ngón chân, cơ gấp ngón cái, cơ nhầy sau và màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ dưới sẽ là phần nhánh của dây thần kinh chày sau. Và da của vùng huyệt này lại được chi phối bởi những tiết đoạn thần kinh S2.
Là huyệt vị chi phối sức mạnh của toàn chân, chủ trị đau thần kinh tọa, bệnh trĩ, liệt dưới nên vị trí của huyệt Thừa Sơn là vấn đề mà rất nhiều người bệnh quan tâm.
Theo đó, huyệt vị này này nằm ở giữa đường nối huyệt Ủy Trung và gót chân, cách ủy trung 8 thốn về phía dưới. Vị trí này nằm ngay chỗ lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi trong và ngoài nên người bệnh có thể dễ dàng nhận biết bằng cách sau:
- Dùng tay di từ gót chân thẳng lên phần tiếp nối với bắp chân. Ấn nhẹ sẽ thấy 1 điểm lõm ở khu vực này, vị trí đó được xác định là huyệt Thừa Sơn.
- Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xác định huyệt vị này bằng cách cho bắp chân ra phía sau, cơ sinh đôi sẽ hiện rõ để tìm vị trí trí huyệt dễ dàng nhất.
Huyệt vị này có tác dụng gì trong điều trị bệnh lý?
Vì nằm trong Bàng Quang Kinh nên huyệt Thừa Sơn có tác dụng tương đồng với những huyệt vị trong hệ thống này. Theo các thư y cổ, huyệt đạo này có khả năng cân thư lạc, lương huyết, điều phủ khí. Do đó thường được ứng dụng để chủ trị chứng bắp chân co rút, đau dây thần kinh tọa, liệt chi dưới, bệnh trĩ, sa trực trường,… Cụ thể:
Trị chuột rút
Chuột rút là tình trạng các cơ bị kéo căng đột ngột gây đau đớn và khó khăn trong việc cử động. Chứng bệnh này xuất hiện chủ yếu ở những người cao tuổi, bị nhiễm lạnh hoặc do lao động mệt mỏi, ngồi lâu 1 chỗ dẫn đến suy nhược thần kinh. Để khắc phục triệu chứng của bệnh ngoài việc tăng cường uống nước, rèn luyện sức khỏe thì người bệnh cũng có thể tác động lên huyệt Thừa Sơn.
Cách làm khá đơn giản, chỉ cần dùng cả bàn tay bóp chặt vào bắp chân, bàn tay kia dùng day ấn mạnh vào huyệt vị liên tục trong 50 lần, các triệu chứng của bệnh sẽ biến mất nhanh chóng.
Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, sa trực tràng
Trĩ và sa trực tràng là những bệnh lý liên quan đến huyệt đạo của kinh Bàng Quang. Do đó, việc tác động đúng cách vào huyệt vị này sẽ giúp các tĩnh mạch được giãn nở, lưu thông khí huyệt dễ dàng.
Tuy nhiên việc bấm huyệt trị trĩ chỉ là biện pháp dân gian. Do đó khi áp dụng người bệnh cần sử dụng lực tác động đủ mạnh mới giúp cải thiện triệu chứng dần dần, áp dụng liên tục trong thời gian bệnh tình mới có sự thuyên giảm rõ rệt.
Trị đau dây thần kinh tọa
Bấm huyệt Thừa Sơn chữa đau thần kinh tọa là cách làm phổ biến, được nhiều người áp dụng hiện nay. Thực tế đã cho thấy, biện pháp này khá hiệu quả mang đến nhiều kết quả tích cực mà cách làm lại đơn giản.
Người bệnh chỉ cần sử dụng ngón tay và bàn tay tác động một lực thật mạnh vào huyệt Thừa Sơn để giúp các cơ, dây thần kinh được thư giãn từ đó giảm đau nhức. Trường hợp nặng, có thể kết hợp cả châm cứu và bấm huyệt nhiều huyệt vị để đạt được hiệu quả nhanh nhất.
Điều trị chứng liệt chi dưới
Liệt chi dưới thường biểu hiện ra ngoài với các triệu chứng lâm sàng như mất khả năng cảm giác, không thể cử động tay chân. Cơ chế của bệnh thường là do các tổn thương nơron thần kinh vận động sau chấn thương lao động, tai nạn giao thông, tổn thương cột sống,…
Căn bệnh này thường khó chữa lành tuy nhiên việc bấm huyệt Thừa Sơn sẽ phần nào giúp cải thiện tình trạng bệnh lý với điều kiện người bệnh cần kết hợp các biện pháp tích cực trị liệu.
Đau gót chân
Gót chân được coi là bộ phận quan trọng có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Do đó việc đau gót chân có thể khiến quá trình đi lại và sinh hoạt của người bệnh gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia chứng bệnh này thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc va chạm, vận động mạnh hoặc đi giày dép sai cách có thể khiến bệnh bùng phát mạnh hơn.
Để trị chứng bệnh này, từ lâu y học cổ truyền đã ứng dụng day ấn liên tục vào huyệt Thừa Sơn bằng lực đạo đủ mạnh ngày 2 lần. Có thể kết hợp với ngâm chân nước ấm để đạt được hiệu quả nhanh hơn.
Cách phối huyệt Thừa Sơn với các huyệt vị khác trong cơ thể
Ngoài việc bấm huyệt Thừa Sơn để trị bệnh, rất nhiều y thư đã ghi chép lại khả năng kết hợp với các huyệt vị khác trong cơ thể để tăng hiệu quả trị bệnh. Cụ thể:
- Phối với huyệt Thừa Cân để trị chứng chân đau hiệu quả.
- Phối với huyệt Kinh Cốt, Thừa Cân, Thương Khâu để trị tình trạng chân tay co quắp.
- Phối với huyệt Thái Khê để trị chứng đại tiện khó khăn.
- Phối với huyệt Thương Khâu để điều trị bệnh trĩ.
- Phối với huyệt Trung Phủ để trị tiêu chảy gây ra chuột rút bắp chân.
- Phối với huyệt Tinh Cung, Trường Cường, Tỳ Du để trị chứng tiêu ra máu.
- Phối với huyệt Đái Mạch, Giải Khê, Thái Bạch trị hậu môn sưng.
- Phối với huyệt Côn Lôn, Ngư Phúc trị vọp bẻ, xoay xẩm.
- Phối với huyệt Trường Cường để trị chứng trường phong, hạ huyết.
- Phối với huyệt Ẩn Bạch, Hạ Liêu, Hội Dương, Lao Cung, huyệt Phục Lưu, Thái Bạch, Thái Xung, Trường Cường trị tiêu ra máu.
- Phối với huyệt Cự Khuyết, Đại Đô, Thái Bạch, Túc Tam Lý trị Tâm thống do giun.
- Phối với huyệt Côn Lôn trị vọp bẻ, chuột rút bắp chân.
- Phối với huyệt Phi Dương để trị đùi tê đau .
- Phối với huyệt Tam Âm Giao trị dịch hoàn viêm.
- Phối với huyệt Chiếu Hải trị bắp chân bị vọp bẻ.
- Phối với huyệt Thừa Phù, Trường Cường trị hậu môn sưng ngứa, đau nhức.
- Phối với huyệt Côn Lôn trị gân gót chân đau.
- Phối với huyệt Bàng Quang Du, Chương Môn, Đại Trường Du trị táo bón.
- Phối với huyệt Túc Tam Lý để trị chứng ứ huyết trong bụng.
Hướng dẫn cách châm cứu, bấm huyệt Thừa Sơn
Huyệt Thừa Sơn có nhiều vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh lý. Tuy nhiên để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo các khuyến cáo dưới đây.
Cách day ấn, bấm huyệt
Để day ấn và bấm huyệt Thừa Sơn người bệnh chỉ cần làm theo các bước như sau:
- Đặt chân phải gác thẳng lên trên chân trái.
- Một tay giữ bắp chân, một tay dùng ngón cái ấn mạnh vào huyệt đạo.
- Lặp lại thao tác này đối với chân còn lại. Đặt chân trái lên chân phải, tác động lực mạch vào đúng huyệt.
- Phương pháp này cần thực hiện nhiều lần, day huyệt linh động khoảng 100 lần.
- Để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh nên thực hiện cách bấm huyệt này từ 1-2 lần mỗi ngày.
Cách châm cứu
- Trước khi châm cứu, bạn cần lựa chọn cho mình tư thế thoải mái nhất, có thể nằm hoặc ngồi ghế tựa.
- Luồn kim dưới da, châm theo hướng thẳng đứng.
- Chiều sâu của kim là từ 1-1.5 thốn, cứu 3-5 tráng, thực hiện từ 5-10 lần tùy theo tình trạng bệnh của từng người.
Những lưu ý khi châm cứu, bấm huyệt Thừa Sơn
Việc châm cứu, bấm huyệt Thừa Sơn khá an toàn tuy nhiên trong quá trình thực hiện người bệnh cần hết sức cẩn thận và lưu ý những điều sau:
- Cần tác động lực mạnh khi day ấn, bấm huyệt để đạt được kết quả tốt nhất.
- Khi châm cứu, phối với các huyệt khác người bệnh cần tìm hiểu thật kỹ hệ thống huyệt đạo trên cơ thể, tránh xung khắc.
- Không châm cứu, bấm huyệt vào những vùng da đang có vùng tổn thương hoặc có vết loét.
- Bấm huyệt, châm cứu cần thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian dài để đạt được hiệu quả cao nhất.
- Trước khi thực hiện bấm huyệt, châm cứu phải vệ sinh tay, dụng cụ thực hiện thật sạch sẽ để tránh bội nhiễm.
Có thể thấy huyệt Thừa Sơn không quá khó để nhận biệt. Tuy vậy, hiệu quả điều trị bệnh lý thế nào còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người và cách thực hiện đúng thao tác. Do đó người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y học cổ truyền và nhà thuốc Đông y nổi tiếng trong khu vực để thực hiện quá trình trị liệu.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!