Bị Viêm Amidan Uống Thuốc Gì Tốt? Đông Y Hay Thuốc Tây
Bị viêm amidan nên uống thuốc gì tốt là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Trên thực tế, mỗi loại thuốc đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc về tình trạng sức khỏe và một số yếu tố liên quan để lựa chọn được phương án điều trị phù hợp.
Nên dùng thuốc Tây hay thuốc Đông y chữa viêm amidan?
Viêm amidan là bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến, gặp nhiều ở trẻ từ 4 – 10 tuổi. Amidan là tổ chức lympho nằm ở hầu họng có chức năng chính là miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân nhiễm trùng như virus, vi khuẩn, nấm mốc,… Tuy nhiên, amidan chỉ hoạt động mạnh trong những năm đầu đời và giảm dần chức năng khi hệ miễn dịch hoàn thiện vào giai đoạn tuổi dậy thì.
Viêm amidan là tình trạng amidan bị sưng viêm do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Bệnh thường gây sốt cao, cổ họng đau, nuốt vướng, hơi thở hôi, cơ thể mệt mỏi và ớn lạnh. Theo y học cổ truyền, viêm amidan (chứng nhũ nga) xảy ra do phong nhiệt, nhiệt độc, âm hư, khí hư và huyết ứ.
Hiện nay, viêm amidan thường được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng thuốc Tây và phẫu thuật khi amidan phì đại quá mức. Ngoài ra, một số bệnh nhân lựa chọn điều trị viêm amidan bằng mẹo dân gian, bài thuốc Đông y thay vì sử dụng tân dược.
Trên thực tế, mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy để lựa chọn được phương pháp phù hợp, bệnh nhân cân nhắc về ưu nhược điểm của từng biện pháp điều trị.
Ưu điểm – Hạn chế khi điều trị viêm amidan bằng thuốc Tây:
– Ưu điểm:
- Tiện lợi và dễ sử dụng
- Giảm nhanh các triệu chứng của viêm amidan ở giai đoạn cấp như sốt, ớn lạnh, đau nhức,…
- Chi phí hợp lý
– Hạn chế:
- Có thể gây ra tác dụng phụ ở một số đối tượng nhạy cảm
- Rất dễ xảy ra tình trạng kháng thuốc nếu tự ý dùng kháng sinh hoặc dùng không đúng liều lượng được chỉ định
- Không mang lại hiệu quả quá rõ rệt trong trường hợp viêm amidan mãn tính, amidan quá phát
Ưu điểm – Hạn chế khi chữa viêm amidan bằng thuốc Đông y:
– Ưu điểm:
- Độ an toàn cao, ít tác dụng phụ
- An toàn khi dùng lâu dài nên rất thích hợp với những trường hợp viêm amidan mãn tính
- Ít xảy ra hiện tượng kháng thuốc và phụ thuộc quá mức
– Hạn chế:
- Mất nhiều thời gian đun nấu
- Chi phí cao hơn so với thuốc Tây
- Hiệu quả chậm nên không thích hợp với viêm amidan cấp và diễn tiến nhanh
Có thể thấy, mỗi loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm amidan đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Do đó, bệnh nhân nên cân nhắc về tình trạng bệnh lý để lựa chọn phương án phù hợp nhất. Hoặc có thể trao đổi với bác sĩ/ thầy thuốc để được cho lời khuyên hữu ích.
Các loại thuốc Tây chữa viêm amidan phổ biến
Hiện nay, đa phần các trường hợp bị viêm amidan đều được điều trị bằng thuốc Tây vì có ưu điểm dễ sử dụng, tiện lợi và mang lại hiệu quả cao. Tùy theo nguyên nhân và triệu chứng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một trong những loại thuốc sau:
1. Dung dịch súc miệng sát khuẩn
Dung dịch súc miệng sát khuẩn là một trong những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến khi điều trị viêm amidan – đặc biệt là viêm amidan do vi khuẩn. Các dung dịch sát khuẩn thường chứa Chlorhexidine hoặc Povidon-Iod với khả năng giảm viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
Nhóm thuốc này được sử dụng trong điều trị viêm amidan, cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng và viêm loét miệng do nhiễm nấm Candida. Ngoài ra, người dễ bị cảm mạo và mắc các bệnh viêm đường hô hấp cũng có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn hằng ngày để làm sạch khoang miệng và ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
Hướng dẫn sử dụng:
- Dùng khoảng 20 – 30ml dung dịch không pha loãng để súc miệng trong ít nhất 30 giây
- Thực hiện 3 – 4 lần/ ngày để làm sạch virus và vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng
- Thời gian sử dụng khoảng 14 ngày hoặc dùng theo chỉ định của bác sĩ
2. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol, Aspirin) được sử dụng khi viêm amidan cấp có triệu chứng đau vòm họng, sốt cao và đau nhức cơ thể. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau nhức và hạ thân nhiệt trong trường hợp sốt nhẹ đến sốt cao. Trong đó, Paracetamol là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất vì độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và phù hợp với nhiều đối tượng.
Aspirin cũng là loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc không được sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi do nguy cơ cao hơn lợi ích mang lại. Hơn nữa, Aspirin còn có tác dụng chống tập kết tiểu cầu dẫn đến chảy máu kéo dài và kích thích phản ứng dị ứng ở những bệnh có thể địa dị ứng (nổi mề đay, khó thở, bùng phát cơn hen cấp,…).
3. Kháng sinh điều trị viêm amidan do vi khuẩn
Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp viêm amidan xảy ra do vi khuẩn. Khác với viêm amidan do virus, tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn thường có mức độ nặng và dễ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không kiểm soát kịp thời.
Đối với viêm amidan do vi khuẩn, điều trị đặc hiệu là sử dụng kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc điều trị triệu chứng. Trong đó, nhóm kháng sinh penicillin và cephalosporin thường được ưu tiên sử dụng. Kháng sinh được dùng liên tục trong 7 – 10 ngày hoặc hơn để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng và ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
4. Thuốc chống viêm, giảm phù nề
Viêm amidan – đặc biệt là trong giai đoạn cấp thường gây viêm đỏ tổ chức amidan cùng với niêm mạc họng. Vì vậy ngoài các loại thuốc kể trên, bệnh nhân cũng có thể dùng thêm một số loại thuốc chống viêm, giảm phù nề như:
- Thuốc chống viêm dạng men: Thuốc chống viêm dạng men (Alpha Choay) thường được sử dụng ở dạng ngậm dưới lưỡi. Thuốc được chiết xuất từ tụy bò với tác dụng chống phù nề và giảm viêm hiệu quả. Loại thuốc này được dùng để giảm phù nề mô mềm do viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản hoặc dùng để cải thiện tình trạng viêm sau phẫu thuật.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID là nhóm thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm và hạ sốt (tác dụng yếu). Do đó ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng NSAID để giảm đau và phù nề ở amidan. NSAID mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên do nguy cơ chảy máu kéo dài, xuất huyết dạ dày,…
- Corticoid đường uống: Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm mạnh nhất. Thuốc hoạt động tương tự như hormone cortisol được tuyến thượng thận bài tiết. Tuy nhiên, corticoid toàn thân gây ra rất nhiều biến chứng nghiêm trọng nên chỉ được cân nhắc sử dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.
5. Một số loại thuốc khác
Viêm amidan là một trong những bệnh hô hấp có triệu chứng khá đa dạng. Vì vậy dựa vào biểu hiện của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc sau:
- Thuốc giảm ho (Codein, Dexamethorphan,…)
- Thuốc kháng histamin H1 (giảm hắt hơi, sổ mũi,… đi kèm)
- Vitamin C, kẽm…. để nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch
Một số bài thuốc Đông y trị viêm amidan
Trong Đông y, chứng nhũ nga (viêm amidan) được chia thành thể lâm sàng, bao gồm thể phong nhiệt, thể nhiệt độc, thể âm hư, khí hư và huyết ứ. Mỗi thể bệnh đều có triệu chứng, đặc điểm và phương pháp điều trị khác nhau.
1. Bài thuốc Đông y chữa chứng nhũ nga thể phong nhiệt (viêm amidan cấp nhẹ)
Chứng nhũ nga thể phong nhiệt đặc trưng bởi tình trạng amidan sưng đỏ, đau và nóng rát. Ngoài ra, thể bệnh này còn gây ra một số triệu chứng khác như miệng rát, lưỡi khô, ăn uống khó khăn, đầu lưỡi đỏ, đau đầu kèm theo mạch phù và rêu lưỡi trắng mỏng.
Với thể phong nhiệt, bệnh nhân nên áp dụng bài thuốc có tác dụng tân lương giải biểu và sơ phong thanh nhiệt.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị kinh giới và bạc hà mỗi thứ 5g, kim ngân hoa và huyền sâm mỗi thứ 16g, liên kiều, ngưu bàng tử và đạm trúc diệp mỗi thứ 12g, cát cánh 6g, cam thảo 8g. Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang. Nếu dùng cho trẻ nhỏ, nên gia giảm liều lượng phù hợp.
- Bài thuốc 2: Dùng ngưu bàng tử và bạc hà mỗi thứ 8g, huyền sâm, sơn đậu căn và huyền sâm mỗi thứ 12g, xạ can và cát cánh mỗi thứ 6g, bồ công anh, kim ngân hoa và cỏ nhọ nồi mỗi thứ 16g. Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
2. Thuốc Đông y trị chứng nhũ nga chữa nhiệt độc (viêm amidan cấp nặng)
Chứng nhũ nga thể nhiệt độc thực chất là viêm amidan cấp tính có mức độ nặng. Thể bệnh này biểu hiện với một số triệu chứng điển hình như amidan sưng to, sốt cao, niêm mạc miệng hóa mủ, loét, đau nhiều, hạch dưới hàm sưng to.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số dấu hiệu khác như tiểu tiện đỏ, ăn uống kém do nuốt đau, rêu lưỡi vàng dày, mạch sác hữu lực. Để chữa chứng bệnh này, bệnh nhân cần dùng bài thuốc có tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc ở phế vì và bài nùng (trừ mủ).
- Bài thuốc 1: Dùng hoàng liên, hoàng bá và tang bạch bì mỗi thứ 12g, xạ can 8g, kim ngân hoa và thạch cao mỗi thứ 20g, huyền sâm, sinh địa và cam thảo đất mỗi thứ 16g. Đem thạch cao sắc trước 10 phút, sau đó cho các vị thuốc khác vào sắc rồi tắt bếp. Mỗi ngày dùng uống 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị cát cánh và cam thảo mỗi thứ 8g, hoàng liên, bạc hà (cho sau) mỗi thứ 4g, chi tử, hoàng cầm và đạm trúc diệp mỗi thứ 12g, kim ngân hoa và huyền sâm mỗi thứ 16g, thạch cao sống (sắc trước) 40g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 3: Dùng hoàng liên, xạ can và lô căn mỗi thứ 8g, sơn đậu căn, thiên hoa phấn, cát cánh, phù bình, liên kiều, đảm sâm, cam thảo đất và ngưu bàng mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
3. Bài thuốc trị viêm amidan thể âm hư
Chứng nhũ nga thể âm hư là thể bệnh tái đi tái lại nhiều lần, bệnh diễn tiến lâu ngày và lâu dứt. Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng người sốt nhẹ, amidan sưng đau, miệng khô, hôi miệng, ho khan, cơ thể mệt mỏi và sốt nhẹ. Với chứng nhũ nga thể âm hư, cần dùng bài thuốc có tác dụng hoạt huyết tiêu viêm và dưỡng âm thanh phế.
- Chuẩn bị: Sơn thù, thiên hoa, địa cốt bì và tri mẫu mỗi thứ 8g, trạch tả, bạch linh và đan bì mỗi thứ 9g, hoài sơn, tang bì, huyền sâm và ngưu tất mỗi thứ 12g, sinh địa 16g và xạ can 6g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang. Nếu kèm ho khan, nên gia thêm bối mẫu 4g và hạnh nhân 8g.
4. Thuốc Đông y trị viêm amidan thể khí hư
Viêm amidan thể khí hư có các biểu hiện như sắc mặt nhợt nhạt, chân tay đau mỏi, da vàng sạm, mạch hư nhược và cơ thể dễ bị cảm mạo. Bệnh có tính chất tái phát liên tục khiến amidan sưng lâu ngày gây khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt.
Bài thuốc chữa viêm amidan thể khí hư:
- Chuẩn bị: Cam thảo, hoàng cầm, long nhãn, hạnh nhân và quy đầu mỗi thứ 10g, nhân sâm, bạch truật, thăng ma và trần bì mỗi thứ 12g, hoàng kỳ 24g , liên kiều 8g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
5. Bài thuốc Đông y chữa viêm amidan thể huyết ứ
Viêm amidan thể huyết ứ đặc trưng bởi tình trạng yết đau, tái phát nhiều và tiến triển dai dẳng trong thời gian dài. Bệnh kéo dài khiến niêm mạc họng chuyển sang màu sạm, sắc tối.
- Chuẩn bị: Xuyên khung 15g, cát cánh và quế chi mỗi thứ 5g, xạ can, đào nhân, xích thược và quy đầu mỗi thứ 10g, cam thảo 8g và đan sâm 18g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm amidan
Sử dụng thuốc là phương pháp chủ yếu trong điều trị viêm amidan. Tuy nhiên, dùng thuốc không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức đều có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Vì vậy khi sử dụng thuốc Tây hoặc thuốc Đông y chữa viêm amidan, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc để giảm nhanh triệu chứng của bệnh
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ/ thầy thuốc trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Tự ý sử dụng thuốc có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.
- Tuân thủ tuyệt đối loại thuốc, tần suất và liều lượng sử dụng. Không tự ý hiệu chỉnh liều hoặc kéo dài, rút ngắn thời gian dùng thuốc.
- Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe, lịch sử dùng thuốc và tiền sử bệnh lý để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Ngoài ra trong thời gian dùng thuốc trị viêm amidan, nên chú ý các biểu hiện bất thường và thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục.
- Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và uống nhiều nước để giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Bên cạnh đó, nên áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ như uống trà gừng, nước mật ong ấm, xông mũi,… nhằm hạn chế nguy cơ lạm dụng và phụ thuộc thuốc quá mức.
- Nếu viêm amidan tái phát nhiều hơn 5 lần/ năm, amidan có dấu hiệu phì đại gây khó thở khi ngủ, mệt mỏi hoặc đã xuất hiện chứng xa, gần, bệnh nhân nên cân nhắc phẫu thuật cắt amidan để giải triệt để ổ viêm nhiễm.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Viêm amidan nên uống thuốc gì? Dùng thuốc Tây hoặc thuốc Đông y?”. Hy vọng qua những thông tin trên, bệnh nhân có thể lựa chọn được hướng điều trị phù hợp và dễ dàng kiểm soát bệnh. Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, nên kết hợp điều trị và chăm sóc để đạt được hiệu quả cao.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!