Sỏi mật là gì? TRIỆU CHỨNG cảnh báo và những THÔNG TIN CẦN BIẾT khi chữa bệnh sỏi mật

Đánh giá bài viết

Sỏi mật là căn bệnh dễ gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng đến lá gan và túi mật. Hiện nay, số lượng người bệnh sỏi ở túi mật cũng tăng lên nhanh chóng. Rất nhiều câu hỏi đã được gửi đến ban biên tập xoay quanh căn bệnh này. Để giải đáp cho quý độc giả cũng như cung cấp thông tin chi tiết về sỏi mật, mời quý vị theo dõi chi tiết trong bài viết dưới đây.

Sỏi mật là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Sỏi mật (còn có tên tiếng Anh là Cholelithiasis (Gallstones)) là các tinh thể rắn dần hình thành ở bên trong túi mật do tình trạng bão hòa quá mức của 1 trong 3 thành phần chính của dịch mật. Những thành phần có trong dịch mật bao gồm cholesterol, sắc tố mật (bilirubin) và muối canxi. Viên sỏi trong mật có thể có nhiều kích thước khác nhau từ nhỏ cho đến kích thước lớn vài cm.

Sỏi mật là căn bệnh rất dễ gặp phải ở nhiều đối tượng
Sỏi mật là căn bệnh rất dễ gặp phải ở nhiều đối tượng

Người bệnh có thể chỉ bị một viên sỏi trong mật nhưng cũng có khả năng có nhiều viên sỏi cùng lúc. Sỏi mật được phân chia thành 3 loại chính là: Sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật và sỏi hỗn hợp

Trong mật còn có một bộ phận gọi là túi mật – một cơ quan nhỏ có hình dạng như quả lê. Túi mật nằm ở bên bụng phải, bên dưới gan và có chức năng tiết ra một dịch tiêu hóa có tên gọi là dịch mật.

Sỏi mật chủ yếu được tìm thấy nhiều nhất ở trong túi mật, thuộc loại sỏi cholesterol. Những viên sỏi này cũng có khả năng di chuyển từ túi mật ra bên ngoài và nằm lại ở cổ túi mật hay bất kỳ vị trí nào trong ống mật chủ. Sỏi hình thành phía bên trong túi mật hoặc ở đường dẫn mật sẽ gây ra cảm giác đau đớn và lâu dần sẽ dẫn đến biến chứng. 

Trả lời cho câu hỏi: “sỏi túi mật có nguy hiểm không?” Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh (Giám đốc chuyên môn Nhất Nam Y Viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển YHCT dân tộc, Nguyên Trưởng khoa Nội Bệnh Viện YHCT Trung ương) cho biết:

 “Sỏi mật là bệnh lý ở đường tiêu hoá khá nguy hiểm và rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu bởi triệu chứng bệnh thường không rõ ràng. Đa phần người bệnh phát hiện ra sỏi mật cũng là lúc sỏi đã chuyển sang biến chứng. Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này tùy thuộc vào vị trí và kích thước sỏi trong mật.  

Với những viên sỏi có kích thước lớn, sỏi nhiều trong mật sẽ gây tắc nghẽn dịch mật thành từng đợt. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường mật, viêm túi mật, viêm tụy cấp, đặc biệt nặng hơn nữa sẽ gây sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, gây nhiễm khuẩn huyết… Trường hợp sỏi di chuyển đến gan có thể gây ứ mật trong gan, gây ra tình trạng áp xe gan, xơ gan và suy gan.”

Có thể thấy, sỏi mật đang dần là mối đe dọa lớn cho con người thời hiện đại.

Giải đáp những thắc mắc xoay quanh bệnh sỏi mật

Để biết mình có bị sỏi mật hay không và tìm giải pháp điều trị cũng như phòng tránh bệnh, trước hết bạn cần tìm hiểu thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, đối tượng của bệnh sỏi mật.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta thường chủ quan bỏ qua
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta thường chủ quan bỏ qua

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất về bệnh:

Nguyên nhân nào gây ra sỏi ở túi mật?

Sỏi trong mật hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, những nguyên nhân chính gây sỏi mật có thể kể đến như: 

  • Dịch mật chứa quá nhiều cholesterol: Thông thường thì dịch mật chỉ chứa đủ các thành phần có tác dụng hòa tan lượng cholesterol được bài tiết từ gan. Nếu gan tiết ra quá nhiều cholesterol đến mức dịch mật không đủ khả năng hòa tan cholesterol. Lượng  cholesterol dư thừa này sẽ kết thành tinh thể và dần tạo nên sỏi.
  • Bilirubin có nhiều trong dịch mật: Bilirubin là một chất đặc biệt mà cơ thể tự tạo ra khi phá vỡ các tế bào hồng cầu. Gan sản xuất ra nhiều bilirubin hơn khi cơ thể gặp các vấn đề như: xơ gan, nhiễm trùng đường mật. Bilirubin dư thừa cũng là nguyên nhân hình thành nên sỏi mật.
  • Cơ thể không làm rỗng hoàn toàn túi mật: Mật có chức năng tống xuất, xử lý các cặn ứ đọng bên trong nó, túi mật không được làm rỗng sẽ dần tạo sỏi. Trường hợp sỏi mật này xảy ra do nhịn đói hoặc cơ thể được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch trong thời gian dài.

Ngoài ra, có một số yếu tố có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi mật gồm: Nữ giới, độ tuổi trên 40 tuổi, do thừa cân và béo phì, người ít vận động, phụ nữ mang thai, do chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo, nhiều cholesterol và ít chất xơ, người mắc một số căn bệnh (đái tháo đường, thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm hay bệnh bạch cầu)…

Triệu chứng phổ biến nhất của sỏi mật là gì?

Sỏi đường mật thường không có dấu hiệu điển hình và rất dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nếu thăm khám không chính xác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận ra dấu hiệu sỏi mật khi thấy các cơn đau quặn bụng. Những cơn đau do sỏi mật gây ra thường có các đặc điểm như:

  • Vị trí: Những cơn đau tại vùng thượng vị hoặc đau ở vùng bụng bên phải
  • Mức độ: Cơn đau xuất hiện liên tục, đau quặn khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu
  • Tính chu kỳ: Những cơn đau thường xuất hiện riêng biệt và kéo dài từ 30 phút đến vài giờ, không đau âm ỉ như những triệu chứng bệnh khác.
  • Thời điểm: Khoảng vài giờ sau khi ăn hoặc vào ban đêm là lúc cơn đau xuất hiện, cơn đau ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh.
Sỏi mật gây ra những cơn đau quặn khó chịu
Sỏi mật gây ra những cơn đau quặn khó chịu

Không chỉ có những cơn đau quặn bụng, người bị bệnh sỏi mật còn có triệu chứng sốt, vàng da nếu bệnh đã bước sang giai đoạn nặng.

Phương pháp chẩn đoán sỏi mật

Bệnh sỏi mật cần được chẩn đoán kĩ lưỡng nhờ một số xét nghiệm cần làm gồm:

  • Siêu âm ổ bụng. Phương pháp này được dùng khá phổ biến để phát hiện sỏi tại vùng bụng
  • Siêu âm nội soi. Những viên sỏi nhỏ hơn mà siêu âm thông thường có thể bỏ sót sẽ được phát hiện chính xác hơn nhờ nội soi
  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: một vài trường hợp người bệnh sẽ được chỉ định làm nội soi đường mật, chụp CT, chụp cộng hưởng từ mật và tụy (MRCP) hay nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để phát hiện sỏi
  • Xét nghiệm máu: Thông qua những xét nghiệm máu tình trạng nhiễm trùng, vàng da, viêm tụy hay các biến chứng khác do sỏi mật gây ra sẽ được phát hiện chính xác hơn
Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán sỏi mật
Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán sỏi mật

Đối tượng nào có nguy cơ bị sỏi túi mật cao nhất?

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị sỏi mật. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc nhóm người dưới đây thì nguy cơ mắc bệnh sỏi mật sẽ cao hơn rất nhiều so với những người bình thường khác:

  • Người ít vận động thể dục thể thao
  • Người có chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ và ít bổ sung chất xơ
  • Người bị thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ uống thuốc tránh thai thường xuyên 
  • Người từng có tiền sử bệnh mãn tính như tiểu đường, rối loạn máu
  • Người có tiền sử gia đình từng bị sỏi mật
  • Người gặp vấn đề về gan như viêm gan, xơ gan
  • Người giảm cân quá nhanh cũng tăng nguy cơ mắc bệnh

Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên hoặc đến gặp bác sĩ ngay nếu thuộc nhóm người trên.

Sỏi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ?

Phẫu thuật lấy sỏi mật là một trong những phương pháp điều trị sỏi được lựa chọn. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh sỏi mật cũng nhận chỉ định mổ. Dựa theo tình trạng sức khỏe, kích thước sỏi mật mà các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên có nên mổ sỏi mật hay không.

Vậy sỏi túi mật có kích thước bao nhiêu thì phải mổ? Câu trả lời chính là trường hợp sỏi to trên 1cm và không có triệu chứng bệnh. Trường hợp không có triệu chứng sỏi mật, người bệnh cũng nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe của bản thân.

Tùy từng trường hợp người bệnh khác nhau mà các bác sĩ sẽ chỉ định có mổ sỏi thận hay không?
Tùy từng trường hợp người bệnh khác nhau mà các bác sĩ sẽ chỉ định có mổ sỏi thận hay không?

Trường hợp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị sỏi mật nên chủ động phẫu thuật trước khi có ý định mang thai. Điều này giúp bạn đề phòng trường hợp biến chứng bệnh trong thời kỳ mang thai. Lúc này, nếu điều trị sỏi mật sẽ có thể gây hại cho cả mẹ và con.

Trường hợp sỏi có kích thước nhỏ khoảng 2 – 3mm nhưng lại nguy hiểm hơn sỏi lớn khoảng 1 – 2cm. Tuy là viên sỏi nhỏ nhưng nó cũng có thể gây biến chứng rất nặng là viêm tụy cấp hoại tử, thậm chí gây tử vong. Trường hợp này người bệnh cũng được bác sĩ khuyên nên mổ sỏi mật từ sớm.

Người bị sỏi ở mật có triệu chứng sốt cao cũng cần được điều trị bằng phẫu thuật ngay.

Những giải pháp điều trị sỏi mật hiệu quả nhất hiện nay

Có 2 phương thức điều trị sỏi túi mật phổ biến nhất hiện nay đó là: dùng thuốc tán sỏi và phẫu thuật.

Dùng thuốc Tây y trị sỏi mật

Thuốc dùng trong sỏi mật gồm các loại thuốc như: giảm đau, thuốc làm tan sỏi, thuốc điều trị biến chứng

  • Các thuốc giảm đau, loại bỏ cơn co thắt sinh ra do chất trung gian hoá học acetylcholin (kháng cholinergic). Những loại thuốc có tác dụng giảm đau như alverin, atropin….
  • Thuốc chống co thắt cơ trơn (Visceralgin (tiemonium)). Những loại thuốc này được sử dụng để giảm đau bước đầu (tránh choáng).
  • Thuốc làm tan sỏi: Acid ursodesoxycholic (ursodiol) có tác dụng  hoà tan sỏi cholesterol do giảm luồng mật của cholesterol. Thuốc được dùng riêng cho trường hợp bệnh nhân sỏi ít, không có triệu chứng bệnh, không bị calci hoá và không áp dụng được phương pháp phẫu thuật lấy sỏi.
  • Thuốc điều trị các biến chứng do sỏi mật gây ra: Aminoglycosid và quinolon là thuốc kháng khuẩn thường được sử dụng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể dùng thuốc lợi mật hoặc các thảo dược (artichaut)

Ngoài ra, người bệnh sỏi mật dùng thuốc tân dược có thể được kê đơn với viên uống Usolin 150, Liver Health Formula hoặc Usolin Plus…

Thuốc tân dược cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng có hại cho người bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc nếu không được sự đồng ý của bác sĩ.

Tán nhỏ sỏi mật qua da

Phương pháp tán sỏi mật qua da có thể đạt mốc thành công hoặc tạm ổn định tới 80% cho trường hợp người bệnh sỏi đường mật. Tuy nhiên, với các trường hợp sỏi mật khác, đặc biệt là sỏi mật tại gan sẽ ít đạt được hiệu quả hơn.

Thực hiện phẫu thuật lấy sỏi, mổ cắt túi mật

Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được chỉ định dùng phương pháp phẫu thuật. Như đã nói ở trên, phương pháp này thường được dùng cho những trường hợp sỏi có kích thước lớn, polyp túi mật.

Phương pháp này chủ yếu được thực hiện bằng cách cắt túi mật hoặc can thiệp loại sỏi bằng phẫu thuật mổ nội soi, mổ hở hoặc nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

Phẫu thuật cắt sỏi ở túi mật được chỉ định trong vài trường hợp người bệnh đặc biệt
Phẫu thuật cắt sỏi ở túi mật được chỉ định trong vài trường hợp người bệnh đặc biệt

Phẫu thuật sỏi mật vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát sỏi, đây cũng là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro và không phải ai cũng có thể thực hiện phẫu thuật sỏi mật. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, tập luyện để phòng tránh bệnh.

Người bệnh sỏi mật ăn gì, kiêng gì và cách phòng tránh bệnh tốt nhất

Sỏi mật không chỉ khiến người bệnh khó chịu, đau đớn mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Hiểu được những mối nguy hại do bệnh gây ra, các bác sĩ cũng khuyên bạn nên thực hiện đúng các biện pháp hỗ trợ điều trị và phòng tránh bệnh dưới đây:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: trái cây, rau, ngũ cốc… để tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh
  • Không bỏ bữa: Thực hiện ăn uống điều độ, ăn đúng giờ là thói quen tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Tránh bỏ bữa hoặc nhịn ăn, nhất là bữa sáng vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật
  • Giảm cân từ từ: Nếu bạn đang thực hiện giảm cân, hãy nhớ rằng phải giảm một cách từ từ, tránh áp dụng các biện pháp giảm cân nhanh vì sự thay đổi cân nặng đột ngột có thể là nguyên nhân gây sỏi mật
  • Duy trì cân nặng phù hợp: Hãy chú ý đến những chỉ số của cơ thể, thừa cân có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi. Việc duy trì cân nặng ổn định, đồng thời tăng rèn luyện thể chất mỗi ngày chính là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chính bạn.
  • Tăng cường luyện tập thể thao đều đặn mỗi ngày
  • Chú ý ăn uống vệ sinh, ăn chín, uống sôi và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần để tránh cặn bã hình thành sỏi

Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh sỏi mật và một vài giải pháp điều trị bệnh hiệu quả. Hy vọng rằng những thông tin trên đây có thể giúp bạn có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe để tránh xa bệnh tật, an vui tận hưởng hạnh phúc bên những người thân yêu!

Chia sẻ

Bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua