Viêm họng mãn tính và các phương pháp điều trị DỨT ĐIỂM
Viêm họng mãn tính là tình trạng niêm mạc họng bị viêm dai dẳng trong thời gian dài. Khác với giai đoạn cấp, ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh khởi phát chậm nhưng dai dẳng, âm ỉ và tái đi tái lại nhiều lần.
Viêm họng mãn tính là gì? Các thể lâm sàng
Viêm họng mãn tính là tình trạng các triệu chứng kéo dài, không đáp ứng với thuốc điều trị tốt ở giai đoạn cấp. Đây là bệnh hô hấp rất phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Viêm họng mãn có thể khởi phát riêng biệt hoặc phối hợp với một số bệnh hô hấp khác như viêm thanh, khí phế quản mãn tính, viêm xoang mãn tính và viêm mũi.
Khác với viêm họng cấp, viêm họng mãn tính có triệu chứng tiến triển chậm, dai dẳng và mức độ âm ỉ, không ồ ạt và bùng phát đột ngột. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm. Ở giai đoạn mãn tính, bệnh chủ yếu xảy ra do ảnh hưởng của một số bệnh hô hấp, giải phẫu mũi – xoang bất thường, tiếp xúc với các chất dị ứng, kích ứng,…
Viêm họng mãn tính được chia thành 3 thể bệnh dựa vào tổn thương thực thể, bao gồm:
- Viêm họng xuất tiết: Viêm họng xuất tiết là giai đoạn đầu của viêm họng mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng niêm mạc họng đỏ, ướt và có hiện tượng xuất tiết (dịch nhầy dính, trong suốt ở thành sau họng).
- Viêm họng quá phát: Viêm họng quá phát hay còn gọi là viêm họng hạt. Thể bệnh này đặc trưng bởi sự tăng sản quá mức của các nang lympho ở thành sau họng, kết quả là hình thành các hạt có màu hồng, đỏ, nổi cộm so với niêm mạc xung quanh. Ngoài ra, niêm mạc họng, cạnh trụ sau của amidan, lưỡi gà và màn hầu đều có hiện tượng dày lên.
- Viêm họng teo: Sau một thời gian quá phát, bệnh chuyển sang giai đoạn viêm họng teo (nang tân và tuyến nhầy bị xơ hóa). Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng dịch nhầy khô thành các vảy dính vào niêm mạc, niêm mạc trắng bệch, nhẵn, mỏng và có các mạch máu nhỏ, eo họng rộng ra.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính gây ra cả triệu chứng cơ năng và tổn thương thực thể. Các triệu chứng của bệnh diễn tiến âm ỉ nhưng dai dẳng và dễ tái phát, thỉnh thoảng có bùng phát các đợt viêm họng cấp khi có điều kiện thuận lợi.
1. Triệu chứng cơ năng
Viêm họng mãn tính đặc trưng bởi các triệu chứng cơ năng như:
- Vùng cổ họng có cảm giác khô, nóng rát, ngứa và vướng khiến bệnh nhân thường xuyên phải đằng hắng, khạc nhổ để loại bỏ đờm – đặc biệt là sáng sớm sau khi ngủ dậy
- Đờm đặc, dẻo, có màu trong suốt sau chuyển thành màu trắng đục. Độ đặc và màu sắc của đờm tăng lên khi nuốt
- Ho nhiều, nhất là vào ban đêm và khi thời tiết chuyển lạnh
- Khàn tiếng
- Nuốt nghẹn
- Hôi miệng
2. Tổn thương thực thể
Viêm họng mãn tính có triệu chứng thực thể tương đối đa dạng. Biểu hiện của bệnh có sự khác biệt theo từng thể lâm sàng.
– Viêm họng xuất tiết:
- Quan sát thấy niêm mạc họng và đỏ toàn bộ
- Cổ họng xuất tiết nhầy có màu trong suốt và dính vào thành sau họng
- Quan sát kỹ thấy một vài hạt phù nề nổi lên ở thành họng
– Viêm họng quá phát:
- Có hiện tượng tăng sản, dày lên của niêm mạc họng, cạnh trụ sau của amidan, lưỡi gà, eo họng, màn hầu và vòi Eustachi (ống nối giữa họng và tai giữa)
- Thành sau họng xuất hiện các đám hạt có màu hồng/ đỏ, nổi cộm do nang lympho tăng sản quá mức
- Eo họng bị thu hẹp
- Vùng cổ họng đỏ, nhạy cảm, dễ buồn nôn và ho khan nhiều
- Cổ họng xuất tiết nhiều, dịch tiết đặc và dính
– Viêm họng teo:
- Thường phát triển sau một thời gian bị viêm họng hạt (viêm họng quá phát)
- Eo họng rộng ra do nang tân, tuyến nhầy bị xơ hóa
- Niêm mạc trở nên nhẵn, mỏng và màu trắng bệnh, hiện rõ các mạch máu nhỏ bên dưới
- Tuyến nhầy xơ hóa khiến dịch nhầy khô biến thành các vảy dính vào niêm mạc gây ra cảm giác khó chịu khiến bệnh nhân phải đằng hắng, ho nhiều
Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính thường gặp
Thông thường, viêm họng cấp xảy ra do vi khuẩn và virus. Trong khi đó, viêm họng mãn tính thường bắt nguồn từ những nguyên nhân không nhiễm trùng.
1. Ảnh hưởng của bệnh viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính là bệnh hô hấp khá phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng phù nề mô xoang, khoang mũi khiến cho dịch tiết chảy xuống cổ họng. Virus và vi khuẩn trong dịch tiết gây ra hiện tượng viêm mãn tính ở hầu họng, đồng thời kích thích nang lympho phát triển và tăng sản quá mức.
Do đó, ở một số trường hợp, viêm họng mãn tính thường đi kèm với viêm xoang và một số bệnh hô hấp khác. Bởi các cơ quan hô hấp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ổ viêm nhiễm không được kiểm soát sớm có thể lây lan sang các cơ quan lân cận và làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều vấn đề hô hấp.
2. Ngạt tắc mũi do polyp, dị hình vách ngăn
Ngạt tắc mũi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến viêm họng và viêm amidan mãn tính. Bởi tình trạng này khiến bệnh nhân phải thở bằng miệng thường xuyên, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng dai dẳng.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa gây ngạt tắc mũi là do dị hình vách ngăn và polyp mũi/ xoang. Các bệnh lý này gây bất thường trong lưu thông dịch tiết hô hấp. Kết quả là khiến dịch chảy ngược về phía sau thành họng và gây ra hiện tượng viêm mãn tính ở cổ họng.
3. Do trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là vấn đề khá phổ biến ở người trưởng thành. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng dịch vị và thức ăn trào ngược từ dạ dày lên cổ họng, thực quản. Không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, dịch vị còn có khả năng ăn mòn và gây viêm niêm mạc thực quản, cổ họng, amidan,…
Vì vậy trong một số trường hợp, viêm họng mãn tính có thể là hệ quả do trào ngược dạ dày thực quản không được kiểm soát. Ngoài ra, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác và một số vấn đề nha khoa như hôi miệng, sâu răng, viêm nướu,…
4. Thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích
Ngoài những nguyên nhân kể trên, viêm họng mãn tính còn có thể bắt nguồn do thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích như hóa chất, bụi, sợi bông, rượu bia, khói thuốc lá,… Các yếu tố này gây kích ứng niêm mạc họng và kết quả là dẫn đến hiện tượng viêm mãn tính.
Thực tế cũng cho thấy, đa phần bệnh nhân bị viêm họng mãn tính đều có thói quen hút thuốc lá trong nhiều năm, sinh sống trong môi trường ô nhiễm và lạm dụng rượu bia quá mức.
5. Do thể địa dị ứng
Thể địa dị ứng là yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng của cơ thể. Đây là yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản,… Bên cạnh đó, tình trạng dị ứng quanh năm còn gây ra hiện tượng viêm mãn tính ở các cơ quan lân cận như amidan, VA và niêm mạc họng.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, nguy cơ bị viêm họng mãn tính có thể tăng đáng kể khi có những yếu tố, điều kiện thuận lợi như sau:
- Tiểu đường
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Giải phẫu cơ quan hô hấp bất thường
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh
Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không?
So với viêm họng cấp, viêm họng mãn tính có tiến triển chậm và dai dẳng nên ít khi gây ra các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Hơn nữa, niêm mạc họng bị viêm mãn tính còn làm độ nhạy cảm của cơ quan hô hấp với các tác động từ môi trường. Khi có điều kiện thích hợp, các đợt viêm cấp như áp xe amidan, viêm amidan,… có thể bùng phát.
Ngoài ra, viêm họng mãn tính không được điều trị còn có thể làm tăng nguy cơ các bệnh hô hấp như viêm khí phế quản mãn tính, viêm thanh quản mãn tính,… Ở những người cao tuổi, bệnh còn có thể gây suy nhược, mất ngủ và mệt mỏi do ho có đờm, khạc nhổ nhiều – đặc biệt là vào ban đêm.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính gây ra nhiều ảnh hưởng đến với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân cần chủ động thăm khám để được xác định thể bệnh, nguyên nhân và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
1. Điều trị, khắc phục nguyên nhân gây bệnh
Viêm họng tái phát dai dẳng là do virus, vi khuẩn không được loại bỏ hoàn toàn. Do đó để kiểm soát bệnh, cần điều trị nguyên nhân và loại trừ yếu tố gây bệnh. Nếu không khắc phục từ căn nguyên, việc sử dụng thuốc chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Sau một thời gian nhất định, bệnh tiếp tục tái phát và tiến triển sang các thể nặng hơn.
Điều trị nguyên nhân gây viêm họng mãn tính bao gồm:
- Giải quyết tình trạng ngạt tắc mũi bằng cách phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn và cắt bỏ polyp mũi, xoang
- Phát hiện và điều trị triệt để các ổ viêm tiềm ẩn ở amidan, xoang, mũi,…
- Sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày để kiểm soát hiện tượng trớ thức ăn. Ngoài ra, bệnh nhân nên điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát bệnh lý này triệt để
- Lên kế hoạch cai thuốc lá nếu viêm họng mãn tính có liên quan đến việc tiếp xúc với các yếu tố kích thích
- Kiêng rượu bia, tránh tiếp xúc với hóa chất và bụi bẩn
- Với bệnh nhân bị dị ứng quanh năm, cần hạn chế tiếp xúc với dị nguyên và cân nhắc giải mẫn cảm nếu cần thiết
2. Điều trị tại chỗ theo từng thể bệnh
Song song với điều trị nguyên nhân, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp tại chỗ để giảm các triệu chứng khó chịu. Phương pháp điều trị viêm họng mãn tính được áp dụng phụ thuộc vào từng thể lâm sàng.
– Viêm họng xuất tiết:
- Sử dụng các dung dịch kiềm để súc miệng nhằm sát khuẩn, giảm viêm
- Dùng Glycerin borat bôi lên niêm mạc cổ họng để giảm hiện tượng phù nề và lở loét (nếu có)
- Sử dụng khí dung corticoid kết hợp với kháng sinh để làm thông cổ họng và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn
– Viêm họng hạt:
- Sử dụng thuốc uống để giảm ho, đau rát họng
- Súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn
- Cân nhắc đốt viêm họng hạt bằng nitơ lỏng, laser, đốt điện,… nếu nang lympho tăng sản quá mức
– Viêm họng teo:
- Sử dụng mỡ thủy ngân 1% hoặc glycerin iod 0.5% để giảm vảy dính ở thành sau họng, từ đó giảm ho, ngứa ngáy và khó chịu
Chăm sóc – Phòng ngừa viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là bệnh hô hấp thường gặp có đặc tính dai dẳng, kéo dài và rất dễ tái phát. Do đó bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân cần xây dựng chế độ chăm sóc phù hợp để kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu tần suất – mức độ bệnh tái phát.
Cách chăm sóc nhằm kiểm soát và phòng ngừa viêm họng mãn tính tái phát:
- Chú ý vệ sinh răng miệng kỹ để tránh sự phát triển quá mức của virus và vi khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể ngậm và súc miệng với nước muối ấm 2 – 3 lần/ ngày để làm dịu niêm mạc họng. Đồng thời ngăn ngừa viêm họng và một số bệnh hô hấp khác bùng phát.
- Bên cạnh các phương pháp điều trị, có thể áp dụng thêm một số cách chữa nhà như dùng tắc chưng đường phèn, trà gừng mật ong, trà bạc hà,… để giảm ho, đau rát và ngứa cổ họng.
- Trong thời gian điều trị, nên tránh dùng các món ăn cứng, khô, mặn, chứa nhiều gia vị cay nóng,… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên hạn chế giao tiếp quá nhiều và tiếp xúc với các yếu tố kích ứng như khói thuốc lá, phấn hoa, hóa chất.
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Vào những thời điểm bệnh dễ tái phát (giai đoạn chuyển mùa, mùa lạnh), bệnh nhân nên tăng cường bổ sung vitamin C và tận dụng một số thảo dược có khả năng sát trùng như nghệ, gừng, bạc hà, hoa cúc, mật ong,… để giảm nguy cơ tái phát bệnh.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để giảm nồng độ chất dị ứng và nấm mốc có trong không khí.
Viêm họng mãn tính là bệnh hô hấp rất phổ biến. Tuy nhiên, bệnh lý này có đặc tính dai dẳng, dễ tái phát và rất khó để điều trị dứt điểm. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường để được chẩn đoán và điều trị sớm. Tình trạng chủ quan, chậm trễ có thể khiến bệnh chuyển nặng và khó chữa trị hơn so với giai đoạn trước.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!