Thông tin y tế trên các báo ngày 2/5/2021

4.9/5 - (9 bình chọn)

Dưới đây là tổng hợp một số tin tức y tế đáng chú ý nhất ngày 125, mời quý đọc giả đón đọc:

Sáng 2/5: Không có thêm ca mắc; hơn 511.400 người Việt Nam đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Bản tin sáng 2/5 của Bộ Y tế cho biết, trong 12h qua Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19, tổng số bệnh nhân vẫn là 2.942. Thế giới ghi nhận thêm gần 680.000 ca mắc. Đến nay cả nước đã có hơn 511.400 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Có thêm 1.580 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 01/5/2021

Tính đến 16 giờ ngày 01/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 511.435 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Chi tiết 1.580 người được tiêm tại 07 tỉnh/TP trong ngày 01/5/2021 như sau:Bắc Giang: 154 người; Hà Tĩnh: 11 người; Cao Bằng: 190 người; Sơn La: 636 người; Quảng Trị: 156 người; Khánh Hòa: 52 người; Gia Lai: 381 người

Tính từ 18h ngày 1/5 đến 6h ngày 2/5: Việt Nam tạm thời không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Hiện tổng số ca mắc ở nước ta vẫn là 2.942

Tính đến 6h ngày 2/5: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 727 ca.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.563, trong đó:

  • Cách ly tập trung tại bệnh viện: 541
  • Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.125
  • Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 16.897.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế: Tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.549 /2.942

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước  hiện có 72 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 19 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 19 ca; số ca âm tính lần 3 là 34 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.

(suckhoedoisong.vn)

Chủ động phòng, chống dịch tay chân miệng

Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 80 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã. Khoảng thời gian tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10 hằng năm thường ghi nhận số ca mắc gia tăng, do đó, người dân cần chủ động phòng, chống dịch tay chân miệng cho con trẻ bằng các biện pháp sau:

Chú ý vệ sinh cá nhân: Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày với cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt, cần rửa tay kỹ trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Đảm bảo ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, với trẻ em, không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh: Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dõi sức khỏe trẻ em thường xuyên để sớm phát hiện bệnh. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác để tránh lây bệnh.

(hanoimoi.com.vn)

Nguy cơ bùng dịch Covid-19 từ những “biển người” dịp nghỉ lễ

Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tại bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Vũng Tàu… cũng như điểm đến du lịch Đà Lạt du khách vẫn ùn ùn đổ về vui chơi, tắm biển trong những ngày qua. Chuyên gia y tế cánh báo, nguy cơ bùng dịch Covid-19 rất lớn từ những “biển người” trong dịp nghỉ lễ.

Cụ thể, tại các bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Tàu… khách du lịch vẫn đổ về biển tắm mát, bất chấp tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đa phần du khách tắm biển đều không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, tụ tập đông người… không thực hiện “5k” theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Những hình ảnh trên mạng xã hội, trên báo chí cho thấy, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng lớn du khách đổ về các điểm du lịch khiến đường phố, các bãi biển gần như quá tải. Hình ảnh du khách chen chúc ở bãi biển Vũng Tàu được đăng tải trên một trang tin du lịch khiến nhiều người dùng mạng xã hội rất bất ngờ.

Đường phố, quán cà phê, khu ăn uống tại các điểm du lịch cũng tấp nập hơn ngày thường vì đón lượng khách lớn từ các tỉnh, thành khác.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt, Lâm Đồng tổng lượng khách dịp lễ 30/4-1/5 tăng ngoài dự kiến. Ước tính sơ bộ, trong 2 đêm 30/4 và 1/5, Đà Lạt đón khoảng 125.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.500 lượt.

Bàn luận về nguy cơ dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ, tài khoản Nguyen Tuan Ngân cho biết: “Không thể tưởng tượng được ở các bãi biển lại ken đặc người như vậy, nhiều gia đình dẫn con nhỏ đến nơi đông người mà vẫn không mang khẩu trang. Nhìn ai nấy đều phấn khởi vui chơi, nhưng vài hôm nữa nếu có thông báo ca mắc Covid-19 từng đến biển dịp này thì không biết truy vết kiểu gì”.

Còn tại khoản Thuy Linh Nguyen cho rằng: “Nhiều người quá thiếu ý thức, bất chấp dịch Covid-19, vẫn tụ tập các điểm đông người. Bài học Ấn Độ vẫn còn đó, dường như họ không biết sợ”.

Còn tại khoản The Kha thì lập luận: “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, không có lệnh cấm thì không thể chỉ trích du khách đổ ra các bãi tắm biển, các điểm vui chơi, du lịch được. Nhiều người còn có suy nghĩ, dịch phức tạp như này chả ai đi đâu, mỗi nhà mình đi có khi vắng vẻ. Nhưng thực tế thì ngược lại”.

Các chuyên gia y tế cho rằng, giữa bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện và có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng, việc tụ tập đông người, không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch là “tiếp tay” cho virus càng lan xa hơn.

PGS-TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho biết, thời điểm này là lúc người dân cần cảnh giác và tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế gồm khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – khai báo y tế – không tập trung.

Tuy nhiên, hình ảnh những điểm du lịch đông người mấy ngày qua, rõ ràng đã không thực hiện 5K. “Nhìn những ảnh này, tôi vô cùng lo lắng, không dám tưởng tượng nếu có ca mắc Covid-19 trong biển người ở Vũng Tàu, Đà Lạt hay các điểm du lịch khác. Chỉ một ca nhiễm thôi cũng khiến ngành y tế và cả hệ thống lao đao” – bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định.

Theo các chuyên gia dịch tễ, đến nay hai con đường lây nhiễm chính của SARS-CoV-2 là hô hấp thông qua tiếp xúc giọt bắn từ người mang virus và tiếp xúc virus bám trên các bề mặt hoặc lơ lửng trong không gian kín, chật hẹp. Sau hơn một năm SARS-CoV-2 xuất hiện và gây đại dịch khắp thế giới, bản chất lây nhiễm của chúng không thay đổi dù có hàng loạt biến chủng. Do đó, chỉ cần xuất hiện một người mang virus trong cộng đồng không được phát hiện, virus có thể được phát tán khắp nơi, lây nhiễm cho hàng loạt người tiếp xúc.

Tính đến sáng nay, 13 tỉnh thông báo có các trường hợp F1 trên địa bàn, trong đó, có những địa phương chưa tìm được các F1 để đưa đi cách ly theo qui định. Bên cạnh đó, hàng nghìn F2 đã và tiếp tục được thống kê. Dự kiến số lượng F1, F2 trong cộng đồng sẽ còn tăng.

Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, những người đến các khu vực tập trung đông đúc đều có thể là nhóm nguy cơ cao hàng đầu. “Dịp nghỉ lễ này, người dân đổ về các khu du lịch quá lớn. Nếu những ca mắc phát hiện muộn thì rất nguy hiểm, ổ dịch nhỏ dễ bùng, lan rộng do lượng người đi lại, tiếp xúc nhiều. Như vậy, Việt Nam sẽ rất khó để truy vết, dập dịch. Bài học từ Ấn Độ cho thấy dịch bệnh đã bùng phát đến mức khó kiểm soát khi người dân tham gia lễ hội, tập trung đông người” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cảnh báo nguy cơ dịch có thể bùng phát mạnh trên diện rộng nếu trong những “biển người” kia có ca mắc Covid-19.

Đề cập đến việc phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, qua 3 đợt dịch Việt Nam đã thành công, khống chế được dịch trong cộng đồng. Nhưng đến nay, từ ca nhiễm ở Hà Nam, Covid-19 đã lây lan ra nhiều địa phương trên cả nước, hiện chưa truy tìm hết số lượng F1, F2, nên việc hạn chế tụ tập đông người, thực hiện 5K theo khuyến cáo là vô cùng quan trọng. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân có ý thức vào cuộc phòng chống dịch, góp phần giữ gìn sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng.

(kinhtedothi.vn)

Gần 1.200 người đang chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 liên quan bệnh nhân 2899

Liên quan bệnh nhân 2899 và 15 ca mắc Covid-19 từ ca bệnh “siêu lây nhiễm” này, cơ quan chức năng đã lấy mẫu gần 2.500 người, một nửa trong số đó đang chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế tối 1-5 cho biết liên quan đến bệnh nhân (BN) 2899 là nam thanh niên ở Hà Nam mắc Covid-19 sau khi hết thời gian cách ly tập trung tại Đà Nẵng, đến nay đã có 15 người khác cũng nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này, có 5 người thuộc diện F2 (gồm 1 người ở Hưng Yên, 2 người ở Hà Nội, 2 người ở Hà Nam), số còn lại là F1 (tiếp xúc trực tiếp với BN2899).

15 người liên quan gồm 9 người ở Hà Nam (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân), 3 người ở Hà Nội, 2 người Hưng Yên và 1 người ở TP HCM.

Cơ quan chức năng đã truy vết được 690 người thuộc diện F1, trong đó Hà Nam: 521, Hà Nội: 73, Hưng Yên: 34, TP HCM: 37, Thanh Hoá: 9, Ninh Bình: 3, Lào Cai: 1, Hoà Bình: 1, Thái Bình: 11. Tất cả những trường hợp này đều được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.

Với các trường hợp là F2 (tiếp xúc gần F1), có 1.890 người, đều được cách ly theo dõi tại nhà.

Đến nay, đã có 2.452 mẫu được xét nghiệm, trong đó Hà Nam: 1.926 mẫu, Hà Nội: 73, Hưng Yên: 214, TP HCM: 111, Thanh Hoá: 9, Ninh Bình: 3, Lào Cai, Hoà Bình mỗi tỉnh 1 mẫu, và Thái Bình: 114 mẫu.

Đã có 1.569 mẫu có kết quả âm tính, 16 ca dương tính (gồm BN2899 và 15 người liên quan trên đây). 867 người đang chờ kết quả.

Tại Hưng Yên, nhà chức trách đã lấy mẫu toàn thôn Hoàng Xá, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ – nơi có 2 ca dương tính là 2 bà cháu. Đã có 785/1.134 đã nhận kết quả âm tính, còn lại 349 mẫu đang chờ kết quả.

Như vậy, liên quan đến ca bệnh này hiện còn gần 1.200 người đang chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2

(nld.com.vn)

Chia sẻ

Bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
1

Zalo