ĐAU DÂY THẦN KINH TỌA Là Gì, Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Cách Điều Trị Hiệu Quả Nhất Hiện Nay
Đau thần kinh tọa là bệnh lý xương khớp xảy ra phổ biến ở người trưởng thành. Bệnh có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, sưng dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp thoái hóa, dây thần kinh tọa bị chèn ép bởi khối u… Đau nhức dữ dội dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa là triệu chứng điển hình của bệnh. Bên cạnh cảm giác đau, người bệnh có thể bị tê, ngứa ran và khó di chuyển.
Đau dây thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa còn có tên gọi khác là dây thần kinh hông to. Đây được đánh giá là dây thần kinh dài và to nhất của cơ thể. Bởi nó có thể đi từ phần dưới thắt lưng, qua mông và đến tận ngón chân.
Có hai dây thần kinh tọa gồm dây thần kinh tọa bên trái và dây thần kinh tọa bên phải với chức năng kiểm soát, điều khiển từng bên tương ứng. Theo nghiên cứu, dây thần kinh tọa tồn tại ba chức năng chính. Bao gồm cảm giác vận động dinh dưỡng, chi phối và góp phần nuôi dưỡng những cơ quan mà dây thần kinh tọa đi qua.
Đau dây thần kinh tọa còn được gọi là đau dây thần kinh hông to (sciatica pain). Đây là một bệnh lý biểu hiện bởi tình trạng đau nhức nghiêm trọng dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí. Cụ thể: Đau tại cột sống thắt lưng di chuyển đến mặt ngoài của đùi, đau mắt cá ngoài, mặt trước ngoài cẳng chân và đau tận ở những ngón chân. Tùy theo mức độ nghiêm trọng và vị trí tổn thương mà cơn đau có thể lan rộng theo nhiều hướng khác nhau.
Đau dây thần kinh tọa một bên là dạng thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên độ tuổi từ 30 – 50 tuổi (tuổi lao động) thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hơn khi so sánh với các độ tuổi khác.
Theo kết quả thống kê, bệnh lý đĩa đệm (thoát vị đĩa đệm) là nguyên nhân thường gặp nhất (chiếm khoảng 80% trường hợp). Điều này xuất hiện là do đĩa đệm thoát vị khiến rễ dây thần kinh tọa bị chèn ép.
Đau dây thần kinh tọa bệnh học nội khoa được đánh giá là bệnh lý rất thường gặp. Bệnh phổ biến thứ hai sau bệnh viêm khớp dạng thấp.
Ngoài chứng thoát vị đĩa đệm, bệnh còn xảy ra phổ biến khi người bệnh bị hẹp cột sống hoặc xương cột sống trên cột sống chèn ép một phần của dây thần kinh. Từ đó dẫn đến những cơn đau nhức, viêm và gây tê ở chân khiến việc di chuyển, vận động gặp nhiều khó khăn.
Bệnh đau dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?
Tình trạng đau nhức do bệnh đau dây thần kinh tọa gây ra thường nặng nề, cơn đau có thể khiến khả năng di chuyển của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên hầu hết trường hợp mắc bệnh đều có thể cải thiện bệnh lý bằng các phương pháp chữa trị không xâm lấn trong một vài tuần.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bệnh đau dây thần kinh hông to gây yếu chân, thay đổi bàng quang hoặc thay đổi ruột… bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét và chỉ định phương pháp phẫu thuật để kiểm soát triệu chứng.
Bệnh đau dây thần kinh hông to thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên nếu không sớm chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể tác động khiến hai chi suy yếu. Lâu ngày dẫn đến tàn phế và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh đau dây thần kinh tọa xuất hiện do đâu?
Một số nguyên nhân phổ biến khiến bệnh đau dây thần kinh hông to hình thành và phát triển, gồm:
– Nguyên nhân thông thường: Đĩa đệm cột sống gặp vấn đề như phồng lồi, lệch, thoát vị đĩa đệm, đè trực tiếp lên dây thần kinh tọa. Đĩa đệm có nhiệm vụ quan trọng là giảm sốc cho cột sống. Tuy nhiên, khi gặp vấn đề, đĩa đệm có thể thoát vị và chèn ép lên dây thần kinh.
– Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác khiến bệnh đau dây thần kinh hông to xuất hiện gồm viêm khớp thoái hóa gây sưng hoặc kích thích dây thần kinh tọa, chấn thương, tổn thương thân đốt sống (do vi khuẩn, u, lao), viêm đĩa đệm đốt sống.
– Nguyên nhân hiếm gặp: Một phần của dây thần kinh tọa bị tác động và bị chèn ép bởi cơ, khối u, bị nhiễm trùng, chảy máu trong, bệnh paget xương các biến chứng từ chấn thương như chấn thương do va đập, mang thai, gãy xương chậu.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đau dây thần kinh tọa
Một số đối tượng được liệt kê dưới đây sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đau dây thần kinh hông to:
– Béo phì: Trọng lượng cơ thể của những người bị thừa cân, béo phì có thể tác động và làm tăng căng thẳng cho cột sống. Ngoài ra,trọng lượng dư thừa còn dẫn đến những thay đổi của cột sống. Từ đó khiến cơn đau thần kinh tọa xuất hiện.
– Tuổi tác: Một số thay đổi có liên quan đến độ tuổi của cột sống như gai xương và thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cơn đau thần kinh tọa hình thành.
– Nghề nghiệp: Những người có công việc thường xuyên phải xoay lưng, lái xe cơ giới trong thời gian dài hoặc mang vác vật nặng… thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào đề cập rõ về liên kết này.
– Ngồi kéo dài: Những người có công việc buộc phải ngồi lâu trong một thời gian dài hoặc lười vận động có nguy cơ mắc bệnh đau dây thần kinh hông to cao hơn những người duy trì thói quen vận động mỗi ngày.
– Bệnh đái tháo đường: Theo kết quả nghiên cứu, bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân kích thích cơn đau xảy ra dọc theo dây thần kinh tọa.
Triệu chứng đau dây thần kinh tọa
Những triệu chứng điển hình của bệnh đau dây thần kinh tọa gồm:
– Đau nhức chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau có thể bắt đầu từ cột sống thắt lưng di chuyển đến mặt trước ngoài cẳng chân, mặt ngoài đùi, di chuyển xuống mắt cá ngoài và đau tận sâu trong các ngón chân. Tùy thuộc vào khu vực bị chèn ép, vị trí tổn thương mà triệu chứng lâm sàng ở mỗi người có thể khác nhau. Cụ thể nếu tổn thương xảy ra ở rễ L4, cơn đau sẽ lan rộng đến khoeo chân. Trong trường hợp tổn thương xảy ra ở rễ L5, cơn đau sẽ lan rộng đến mu bàn chân. Đồng thời đau tận hết ngón chân cái. Ngoài ra, tổn thương khi xảy ra ở L5 còn khiến cơn đau di chuyển hết lòng bàn chân và đau tận hết ngón út. Ở một số trường hợp, người bệnh chỉ đau dọc chân, không đau cột sống thắt lưng.
– Tình trạng đau nhức có thể bắt đầu từ cột sống dưới (thắt lưng) lan rộng đến mông, sau đó xuống phía sau chân. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh đau dây thần kinh tọa. Khi mắc bệnh, người bệnh có thể cảm nhận rõ sự khó chịu và cơn đau ở hầu hết các vị trí dọc theo đường đi của dây thần kinh. Tuy nhiên, cơn đau dây thần kinh hông to đặc biệt có khả năng di chuyển theo một con đường. Cơn đau bắt đầu từ lưng thấp đến mông, di chuyển đến mặt sau đùi và bắp chân.
– Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí tổn thương, cơn đau có thể rất khác nhau. Đau hoặc đau dữ dội, đau nhẹ đến đau nhói. Đôi khi người bệnh có thể cảm nhận cơn đau như một cú giật hay điện giật. Cơn đau sẽ nặng nề hơn khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Ngoài ra các triệu chứng cũng nặng hơn khi ngồi lâu. Thông thường chỉ có một bên của cơ thể bị tác động và chịu sự ảnh hưởng.
– Ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị tê, xuất hiện cảm giác ngứa ran, yếu cơ ở bàn chân hoặc ở chân bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể bị đau một hoặc nhiều phần của chân và bị tê ở một phần khác.
Phòng ngừa bệnh đau dây thần kinh tọa
Không phải lúc nào bệnh đau dây thần kinh tọa cũng được ngăn ngừa. Cơn đau có thể xuất hiện và dễ dàng tái phát. Tuy nhiên một số biện pháp được liệt kê dưới đây có thể giúp bạn giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
– Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao: Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao giúp nâng cao sự dẻo dai, sức chịu đựng của xương khớp. Đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
– Duy trì tư thế đứng, ngồi thích hợp: Để bảo vệ cột sống và dây thần kinh, bạn nên lựa chọn một chỗ ngồi có chân ghế xoay, tay vịn và có hỗ trợ lưng dưới tốt. Bạn cần cân nhắc đặt một khăn cuộn hoặc một chiếc gối ở phía sau lưng. Điều này sẽ giúp bạn bảo vệ cũng như duy trì đường cong bình thường của cột sống và dây thần kinh tọa.
– Sử dụng cơ thể tốt: Bạn nên hạn chế mang vác vật nặng hoặc sử dụng cột sống thắt lưng để làm các công việc nặng nhọc khác. Trong trường hợp cần phải mang vác vật cồng kềnh hoặc vật nặng, bạn cần giữ thẳng lưng, sử dụng chi dưới để nâng vật nặng và chỉ uốn cong tại đầu gối. Tránh thực hiện đồng thời động tác vặn thắt lưng và nâng vật.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bệnh đau dây thần kinh tọa giai đoạn nhẹ thường biến mất sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên nếu những biện pháp tự chăm sóc, giảm đau tại nhà không thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh, người bệnh nên liên hệ và thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe ở hiện tại.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần đến bệnh viện để kiểm tra nếu tình trạng đau nhức xảy ra dai dẳng và kéo dài trên một tuần, cơn đau trở nên tồi tệ hoặc nghiêm trọng dần.
Bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu rơi vào một trong những trường hợp sau:
– Cơn đau xảy ra sau một chấn thương dữ dội như tai nạn lao động, tai nạn giao thông
– Cơn đau thần kinh tọa xuất hiện một cách đột ngột, đau dữ dội ở chân hoặc lưng. Kèm theo cơn đau là cảm giác yếu cơ ở chân hoặc tê.
– Người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang hoặc kiểm soát ruột.
Bệnh đau dây thần kinh tọa được chẩn đoán như thế nào?
Những biện pháp giúp chẩn đoán bệnh đau dây thần kinh tọa gồm:
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng
– Dấu hiệu Lasègue dương tính.
– Hệ thống điểm đau Valleix và dấu chuông bấm dương tính.
– Phản xạ gân xương: Kiểm tra xác định phản xạ gân bánh chè mất hoặc giảm trong các tổn thương tồn tại ở rễ L4, phản xạ chân gót mất hoàn toàn hoặc giảm trong tổn thương rễ S1.
Cận lâm sàng chẩn đoán
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng: Phương pháp chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng có khả năng chẩn đoán chính xác dạng tổn thương cũng như mức độ thoát vị đĩa đệm, vị trí khối thoát vị. Ngoài ra phương pháp chẩn đoán này còn có khả năng phát hiện những nguyên nhân ít gặp khác như có khối u, viêm đĩa đệm đốt sống…
– Chụp X-quang thường quy cột sống thắt lưng: Chụp X-quang thường quy cột sống thắt lưng là phương pháp chẩn đoán được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên phương pháp chẩn đoán này ít có giá trị kiểm tra phát hiện các nguyên nhân. Chụp X-quang thường quy sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định nhằm loại trừ một số nguyên nhân phổ biến. Cụ thể như tình trạng hủy đốt sống do bệnh ung thư, viêm đĩa đệm đốt sống, thoát vị đĩa đệm lưng…
– Chụp CT-scan: Phương pháp chụp X-quang chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa chỉ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định khi không có điều kiện áp dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ.
– Điện cơ (EMG):Phương pháp chẩn đoán điện cơ giúp kiểm tra, phát hiện và đánh giá các tổn thương tồn tại ở rễ dây thần kinh.
Những thử nghiệm giúp kiểm tra, đo các xung điện được tạo ra bởi phản ứng của cơ bắp và các dây thần kinh của người bệnh. Việc thực hiện xét nghiệm có thể giúp bác sĩ chuyên khoa xác nhận sự chèn ép dây thần kinh do hẹp ống sống hoặc bệnh thoát vị đĩa đệm.
Bệnh đau dây thần kinh tọa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại, sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Chính vì thế, ngay khi cơn đau xuất hiện, người bệnh nên đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân gây đau. Sau quá trình chẩn đoán, bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị đau dây thần kinh tọa
Các phương pháp phổ biến đang được áp dụng trong điều trị đau dây thần kinh tọa gồm:
Chữa đau dây thần kinh tọa tại nhà
Dân gian có lưu truyền rất nhiều bài thuốc nam chữa đau thần kinh tọa hiệu quả, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng:
Cách chữa đau thần kinh tọa bằng lá lốt
Lá lốt tươi rửa sạch, để ráo nước đem giã nát rồi sao nóng cùng muối hạt. Dùng hỗn hợp lá lốt và muối hạt cho vào khăn sạch, đắp lên vị trí đau nhức.
Rễ cây lá lốt rửa sạch, cắt khúc, sao vàng hạ thổ ngâm cùng rượu gạo khoảng 1 tháng. Dùng rượu ngâm lá lốt xoa bóp lên chỗ đau mỗi ngày.
Lá lốt tươi rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, cho vào sắc cùng 2 bát nước lọc, thu lấy 1 bát uống trong ngày.
Dùng sữa tỏi: Xay nhuyễn hoặc đập dập 3 tép tỏi tươi, cho vào 300-400ml sữa tươi đã đun nóng rồi uống.
Ngải cứu: Sao vàng cùng muối hạt, chườm lên vùng bị đau
Lưu ý: Phương pháp này chỉ có hiệu quả với người bệnh đau dây thần kinh tọa nhẹ, bệnh mới khởi phát.
Đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì?
Với ưu điểm tác dụng nhanh, cải thiện triệu chứng ngay sau một vài lần sử dụng, phương pháp điều trị này đang là ưu tiên lựa chọn của rất nhiều bệnh nhân.
Một số thuốc thường được chỉ định trong điều trị đau dây thần kinh tọa là:
– Thuốc giảm đau: Tùy theo mức độ đau và khả năng chịu đau của người bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng một hoặc phối hợp các thuốc giảm đau tại chỗ hoặc giảm đau chống viêm như paracetamol, acetaminophen, aspirin, diclofenac, ibuprofen, naproxen…
Thuốc sẽ can thiệp, làm gián đoạn chuỗi phản ứng dẫn truyền tín hiệu lên não khiến người bệnh không cảm nhận được cơn đau. Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid còn làm ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể, ngăn phản ứng viêm xảy ra.
Với trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng tới thuốc giảm đau gây nghiện như morphine.
– Thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh: Tizanidine, Carisoprodol, Chlorzoxazone, Cyclobenzaprine… ngăn tình trạng co thắt cơ, dây chằng, chèn ép dây thần kinh, giảm đau.
– Vitamin nhóm B liều cao giúp phục hồi thần kinh bị tổn thương, kích thích sản xuất máu.
Người bệnh cần lưu ý trong quá trình sử dụng vì thuốc thường gây các tác dụng không mong muốn lên các nội tạng của cơ thể như: dạ dày, tá tràng, tim, gan, thận… và hệ thần kinh gây buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, căng thẳng…
– Tiêm corticosteroid xung quanh vị trí đau dây thần kinh tọa giúp chống viêm, giảm đau nhanh, hiệu quả kéo dài trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như đau đớn kéo dài, giảm khả năng vận động 2 chân, sốt cao…
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!