Bác sĩ Phạm Thanh Huyền Trung Tâm thuốc dân tộc – “Bệnh nhân cũng như người thân của tôi”

5/5 - (1 bình chọn)

Bác sĩ trẻ Phạm Thanh Huyền đang công tác tại Trung tâm thuốc dân tộc, được đồng nghiệp biết đến là một bác sĩ tâm huyết, cầu tiến và tận tình với người bệnh. Trong mắt mọi người, cô gái ấy vô cùng chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ để tìm đào sâu, tìm tòi những bài thuốc mới cho nền Y học cổ truyền (YHCT) dân tộc. Cô yêu thương, chăm sóc bệnh nhân như chính những người thân trong gia đình. Bởi lẽ, hơn ai hết, chính cô là người hiểu rõ nhất nỗi đau của người bệnh thông qua câu chuyện cảm động về người bố của mình. 

Bác sĩ Phạm Thanh Huyền “Y học cổ truyền đã mang lại niềm vui cuộc sống cho bố tôi”

Sinh ra và lớn lên tại một làng quê ngoại thành Hà Nội, tuy trong gia đình không có ai làm nghề Y nhưng ngay từ thuở nhỏ, cô đã được tiếp xúc với cây thuốc và đam mê các thảo dược. Cô được học các bài thuốc YHCT thông qua bà và mẹ, sử dụng chính những cây thuốc có trong vườn. Khi thì dùng lá diếp cá để hạ sốt, khi lại dùng tía tô để giải cảm, khi ho thì hấp mật ong với quất và húng chanh… Kể từ đó, hương vị của cỏ cây, thảo dược đã nuôi nấng ước mơ trở thành thầy thuốc của cô.

Chân dung vị bác sĩ trẻ Phạm Thanh Huyền
Chân dung vị bác sĩ trẻ Phạm Thanh Huyền

Khi đứng trước bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời – Phạm Thanh Huyền băn khoăn với nhiều lựa chọn. Huyền chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in ngày đó, bố mẹ nhất quyết không cho tôi theo học ngành Y vì thương con gái học hành vất vả, phải hy sinh nhiều. Bố mẹ hướng tôi theo ngành ngân hàng vì muốn tôi có một công việc ổn định, nhàn nhã, vả lại ra trường cũng dễ xin việc.

Tôi vốn là đứa con gái ngoan ngoãn, vâng lời nên ban đầu cũng khá băn khoăn, cộng với việc các bạn trong nhóm tôi chơi chung, ai cũng chọn theo học kinh tế, sư phạm theo đúng nhu cầu của xã hội. Thế nhưng, vào cuối năm lớp 12, một sự việc xảy ra đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ và quyết tâm trở thành bác sĩ y học cổ truyền. 

Tôi nhớ như in tối mùa đông hôm đó. Sau bữa tiệc sinh nhật với công ty trở về, bố tôi tắm rửa và đi ngủ như thường lệ, vừa được 1-2 tiếng thì bật dậy ngay. Vì cơn đau điếng, người nóng bừng lên, các khớp mắt cá chân sưng to tấy đỏ như quả cà chua, cả bàn chân và cổ chân sưng to, phù nề. Cơn đau quá dữ dội đến mức bố tôi không thể chịu đựng được, chỉ nằm bất động một chỗ, đến bữa thì tôi hoặc mẹ phải mang cơm cho ăn, nhớ lại tôi vẫn còn thấy thương.

Ngay ngày hôm sau, mẹ tôi đưa bố đi khám, sau khi làm xét nghiệm máu và thăm hỏi thì bác sĩ kết luận bố tôi bị gút, uric máu lúc đó lên cao lắm (tận 730 mmol/lít). Cầm kết quả trên tay mà bố tôi choáng váng thật sự. Bác sĩ đưa cho bố uống mấy liều colchicin để giảm đau, nhưng thuốc này độc hại nên bố không được dùng liên tục, qua cơn đau là dừng luôn.

Sau đó bệnh tình của bố tôi càng ngày càng nặng hơn, tần suất cơn đau càng lúc càng dày. Đỉnh điểm là vào khoảng đầu năm 2010, tuần nào bố tôi cũng đau, cơn đau này chưa dứt thì cơn khác đã ập tới khủng khiếp hơn, mắt cá chân còn nổi lên mấy hạt tophi nữa, gây vướng víu, xỏ dép cũng khó khăn. Đợt đấy bố tôi chỉ nằm nhà không làm gì được, phải bỏ việc, sinh ra buồn chán. Uống thuốc Tây nhiều thì bố lại mắc thêm cả bệnh đau dạ dày và tiêu chảy nữa, khổ không để đầu cho hết. May mắn lúc ấy, có một bác hàng xóm chỉ cho bố tôi đến chỗ thầy lang ở Ba Vì, cắt thuốc Nam uống thì sau 3 tháng, bệnh tình thuyên giảm. Kết hợp với việc uống thuốc và kiêng khem cẩn thận, các hạt tophi dần xẹp xuống và biến mất, không thấy còn xuất hiện cơn đau nào nữa, xương khớp thì dẻo dai, linh hoạt. Cứ 3 tháng bố tôi lại đi xét nghiệm máu một lần, thấy chỉ số acid uric luôn ở ngưỡng an toàn, bố tôi mừng lắm.

Lúc ấy, tôi cũng tò mò lên mạng tìm hiểu thông tin và biết rằng trên thực tế không phải bệnh nào cũng có thể sử dụng thuốc Tây để điều trị. Thậm chí những loại thuốc Tây còn tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe. Vốn đã yêu thích thảo dược từ nhỏ, lại được chứng kiến sự kỳ diệu của bó nên tôi như được tiếp thêm sức mạnh, niềm hy vọng theo nghề. 

Năm ấy, tôi quyết định theo học khối B để thi vào ngành bác sĩ YHCT mặc cho sự ngăn cấm của bố mẹ và sự thuyết phục của bạn bè. Ngày làm hồ sơ đăng ký thi đại học, mặc dù có 2 nguyện vọng, nhưng tôi chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng vào trường Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Tôi xác định, nếu không đỗ, năm sau ôn thi tiếp chứ nhất quyết không chịu học ngành nào khác. Lúc ấy tôi biết bố mẹ sợ tôi sau này sẽ vất vả nhưng tôi đã lỡ phải lòng với những bài thuốc hay, cây thuốc quý của YHCT rồi thì biết làm thế nào.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng tôi muốn khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, dùng thuốc của người Việt chữa bệnh cho người Việt mà thôi. Một quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời mà tôi không bao giờ quên và hối hận”.

Vị bác sĩ trẻ nhiệt huyết với nghề, tận tâm với người

Niềm đam mê cháy bỏng với Y học cổ truyền và sự quyết tâm không ngừng nghỉ của cô gái trẻ ngày ấy đã được đền đáp xứng đáng. Cuối cùng cô cũng thi đỗ và trở thành sinh viên của Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, chuyên ngành bác sĩ YHCT. Ngay từ những năm đầu đại học, ý thức được đây là nghề liên quan đến tính mạng con người, Phạm Thanh Huyền luôn chăm chỉ học tập, nghiên cứu và trở thành sinh viên tiêu biểu với thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như phát quà cho học sinh nghèo ở vùng cao, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người neo đơn do Đoàn trường tổ chức.

Ở Phạm Thanh Huyền, người ta thấy cô luôn tràn đầy năng lượng tích cực và vui tươi. Nhờ tinh thần chủ động học tập, trau dồi phát triển bản thân với nhiều thành tích xuất sắc, đáng ngưỡng mộ, cuối cùng cô cũng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Cầm trên tay tấm bằng loại ưu của trường đại học danh tiếng hàng đầu, cô được nhận công tác tại công ty cổ phần giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hưng Phúc. Tại đây cô được thực hành và ứng dụng nhiều hơn kiến thức Y học đã tích lũy trong suốt chặng đường sinh viên. Với sự trẻ trung, năng động, tinh thần ham học hỏi, không ngại khó ngại khổ của mình, Huyền luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

5 năm sau đó, cô chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc cơ sở Hà Nội tại địa chỉ Biệt thự B31, ngõ 70 Nguyễn Thị Định. Tại đây cô đảm nhận vị trí hỗ trợ điều trị tư vấn điều trị bệnh cùng bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan – Giám đốc chuyên môn tại Trung tâm và bác sĩ Lê Hữu Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Thuốc dân tộc. Mặc dù là một bác sĩ trẻ nhưng với vốn kiến thức vững chắc được tích lũy trên giảng đường cùng kinh nghiệm có được sau khi đi làm, Phạm Thanh Huyền luôn nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp và người bệnh.

Bác sĩ Phạm Thanh Huyền đang công tác tại Trung tâm Thuốc dân tộc
Bác sĩ Phạm Thanh Huyền đang công tác tại Trung tâm Thuốc dân tộc

Nhận xét về đồng nghiệp, cấp dưới của mình, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan cho biết: “Tôi cảm nhận được ở Huyền sự nhiệt huyết, đam mê mãnh liệt với YHCT. Là một lương y trẻ chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong thăm khám và điều trị bệnh nhưng Huyền lại rất chắc kiến thức. Đặc biệt, bạn ấy có rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đem đến sự hài lòng cho người bệnh. Với sự trẻ trung, năng động, bạn cũng luôn sẵn sàng cùng chúng tôi băng rừng vượt núi để tìm tới những bài thuốc hay, cây thuốc quý. Đối với công việc thì say mê, nhiệt huyết; đối với đồng nghiệp thì vui vẻ, hòa đồng; với bệnh nhân tận tình, chăm sóc. Bấy nhiêu đấy thôi thì tôi tin rằng bác sĩ Phạm Thanh Huyền chắc chắn sẽ trở thành một bác sĩ giỏi về học thuật và cả y đức.”

Không chỉ học tập, trau dồi kiến thức, bác sĩ Huyền còn lĩnh hội tư tưởng đạo đức cao quý “Lương y như từ mẫu” của tinh hoa Y học cổ truyền Việt Nam. Ngay từ khi còn là sinh viên, cô đã tự nhủ với bản thân, phải thương bệnh nhân như chính người thân của mình. Mỗi ngày, Trung tâm Thuốc dân tộc đón tiếp không biết bao nhiêu người, nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên gương mặt cô, Cô luôn nhẹ nhàng chỉ dẫn, tận tình chăm sóc và thấu hiểu, chia sẻ nỗi đau với người bệnh. Nhờ vậy, cô được rất nhiều bệnh nhân yêu quý, lúc thì biếu cô quả trứng, con gà, lúc lại biếu cô chai mật ong núi rừng.

Cô tâm sự: “Lúc trước mới vào nghề, tôi cũng lo ngại về áp lực công việc. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần nhìn thấy ai đau, ai ốm, tôi lại nhớ đến hình ảnh của bố mình ngày xưa. Tôi thấy rất đau lòng và luôn cố gắng hết sức để cứu chữa. Mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để làm đẹp cho đời khiến tôi chẳng còn thấy mệt mỏi nữa. Mỗi ngày, nhận được nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân, những tin nhắn cảm ơn, càng tiếp thêm sức mạnh cho tôi vững bước trên con đường mình đã chọn.” 

Chia sẻ

Bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua